Phóng viên (PV): Đề nghị ông cho biết đôi nét về tình hình hoạt động của KTNN trong 6 tháng đầu năm 2021?
Ông Trần Sỹ Thanh: Những tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động kiểm toán của KTNN. Với tinh thần chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ cao nhất cho các đối tượng được kiểm toán thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, giảm tối đa ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến hoạt động PCD Covid-19, lãnh đạo KTNN kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác kiểm toán một cách phù hợp, với nhiều giải pháp hiệu quả. Đến thời điểm này, KTNN đã thực hiện tốt các nhiệm vụ của 6 tháng đầu năm 2021, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác.
PV: Việc đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng CNTT luôn được các bộ, ngành quan tâm. KTNN đã triển khai nội dung này như thế nào để phục vụ hiệu quả hoạt động của ngành?
Ông Trần Sỹ Thanh: KTNN đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, thực hiện điều chỉnh theo hướng cắt giảm thời gian, quy mô, tạo mọi điều kiện cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ PCD Covid-19 (không kiểm toán đối với ngành y tế, bộ CHQS, sở công an các tỉnh đang có dịch). Đồng thời, chỉ đạo toàn ngành tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán và thực hiện cải cách hành chính như: Tổ chức họp trực tuyến, giảm các cuộc họp không quan trọng; triển khai một số giải pháp phục vụ công tác soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa tài liệu quan trọng qua mạng và trên phương tiện thông tin, viễn thông; đưa vào sử dụng hệ thống báo cáo nhanh trong toàn ngành trên Cổng thông tin của KTNN. Bên cạnh đó, KTNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; giảm sự phiền hà đối với các đơn vị được thanh tra, kiểm toán.
PV: Việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và hoạt động hợp tác quốc tế được tổ chức như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Sỹ Thanh: Trước khi Chiến lược Phát triển KTNN giai đoạn 2011-2020 kết thúc, KTNN đã tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, chỉ rõ những hạn chế, tồn tại và rút ra bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó xây dựng Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030), nhằm đáp ứng yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục củng cố, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường kiểm tra, giám sát các khoản chi tiêu công, nguồn lực công của Nhà nước. Ngày 16-9-2020, chiến lược đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14. Để thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến lược để tham mưu, giúp Tổng KTNN trong tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung hoạt động của chiến lược.
Hoạt động hợp tác quốc tế trong năm 2020, 2021 cũng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều hoạt động bị hủy, hoãn hoặc chưa xác định được thời gian tổ chức. Tuy nhiên, KTNN vẫn đạt được một số kết quả nổi bật, cụ thể như: Hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021 thể hiện qua việc quyết tâm thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội với mục tiêu chiến lược về kiểm toán môi trường và kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững. Tiêu biểu là việc triển khai thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công do KTNN Việt Nam chủ trì tại khu vực Đông Nam Á; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) Trung Quốc và Thái Lan xây dựng chương trình nghị sự, kịch bản điều hành, chủ động xây dựng các báo cáo, tham luận của KTNN Việt Nam chuẩn bị cho Đại hội ASOSAI 15 bằng hình thức trực tuyến; thực hiện thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược ASEANSAI thông qua việc chủ trì hàng loạt các hoạt động hỗ trợ xây dựng Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2022-2025.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!