Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý tại Hội nghị triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Đề án) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức sáng 18/10.
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, hiện nay, bình quân diện tích đất đai trên đầu người thấp; cộng với tập quán thâm canh, chuyên canh, sử dụng không cân đối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ô nhiễm đất do sự phát triển của các khu công nghiệp, làng nghề; tác động của biến đổi khí hậu dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn, phèn hóa... đã làm sức khỏe đất bị suy giảm nghiêm trọng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung cho biết, đất là nguyên liệu đặc biệt phục vụ sản xuất, trồng trọt của chúng ta. Đất nước ta và các tổ chức quốc tế đã đặt ra vấn đề làm sao gìn giữ, cải tạo đất tốt hơn.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng đất còn nhiều bất cập dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng đất sản xuất, ngày 11/10/2024, Bộ NNPTNT chính thức phê duyệt “Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.
Đề án ra đời với mục tiêu và kỳ vọng giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhằm triển khai Đề án quan trọng này, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của đất và dinh dưỡng cây trồng trong nông nghiệp, từ đó, tạo ra một lộ trình cụ thể để thực hiện các mục tiêu về phát triển nông nghiệp bền vững, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.
Đề án xác định rõ vai trò của quản lý đất và dinh dưỡng cây trồng trong việc ngăn chặn suy thoái đất, phát triển nông nghiệp hữu cơ và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Mục tiêu của Đề án là nâng cao giá trị sử dụng đất, quản lý hiệu quả dinh dưỡng cây trồng, từ đó góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại hội nghị, các ý kiến đã tập trung làm rõ về thực trạng trong công tác quản lý đất, cũng như giải pháp để nâng cao giá trị đất, trọng tâm là đưa Đề án vào triển khai trong thực tiễn.
Ông Nguyễn Quang Tin - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) cho rằng, để có một bộ cơ sở dữ liệu về đất trồng trọt thì cần hệ thống lại, nghiên cứu hoàn thiện. Điều này xuất phát từ thực tế Việt Nam chưa có nhiều dữ liệu về đất trồng trọt.
“Từng đối tượng cây trồng, từng vùng đất đều phải có con số cụ thể để sử dụng được, trong bối cảnh biến đổi khí hậu” - ông Tin lưu ý.
Ông Vũ Thắng (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, Đề án hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng các loại đất chính, song song với sử dụng phân bón cho các cây trồng chủ lực.
Từ đó, giảm thất thoát dinh dưỡng trên loại đất chính trồng các cây trồng chủ lực, góp phần ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt, bảo vệ và phát triển đa dạng hệ sinh vật có ích, giảm phát thải khí nhà kính.
Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam - ông Phùng Hà đánh giá Đề án được ban hành đúng thời điểm, việc nâng cao sức khỏe của đất trồng là đúng do chất lượng đất đã bị suy giảm rất nhiều, đặc biệt là độ phì nhiêu của đất.
Nhấn mạnh vai trò của phân bón trong việc nâng cao "sức khỏe" của đất, song "tại Việt Nam, quá nhiều dư lượng phân bón trong đất trồng và cao hơn so với chỉ số trung bình của thế giới, đặc biệt là dùng quá dư thừa phân bón vô cơ” - ông Hà cho biết, đồng thời thông tin thêm, nhiệm vụ đề ra cho ngành phân bón là phải làm sao giảm phân bón hữu cơ, tăng phân bón hữu cơ.
Theo ông Hà, tới đây, nếu áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón, các nhà đầu tư sẽ có sự điều chỉnh, thay đổi trong quá trình sản xuất.