Nâng cao tính tự chủ, trách nhiệm giải trình của đơn vị sự nghiệp công lập

(BKTO) - Cùng với sự quan tâm, giám sát từ nội bộ ngành cũng như công tác ngoại kiểm từ Kiểm toán nhà nước và các Bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang triển khai xây dựng, hoàn thiện Quy chế về phân cấp, phân quyền trong quản lý tài chính, tài sản, đầu tư, mua sắm,... để tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị sự nghiệp nâng cao tính tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình.

Nhân tuyến bài viết "Tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập: Đường đến mục tiêu" của Báo Kiểm toán, ông Trịnh Duy Chấn - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

xh-1714815944994275420699.jpeg
Bộ LĐTBXH đã ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với đơn vị sự nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực do Bộ quản lý. Ảnh minh họa: chinhphu.vn

Thưa ông, xin ông có thể cho biết về tình hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) hiện nay và vấn đề tự chủ tại các đơn vị này ?

Tính đến nay, Bộ LĐTBXH có 43 đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ tài chính trên các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ và các hoạt động kinh tế khác. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 những năm 2020-2021 nên tình hình thu chi tài chính của các đơn vị cũng bị ảnh hưởng, đồng thời, khi triển khai Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều nội dung quy định không cụ thể, chưa rõ nên các đơn vị còn lúng túng trong việc xây dựng phương án tự chủ tài chính để trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, giao tự chủ tài chính cho các đơn vị theo quy định.

5bc09474f33748691126.jpg
Hiện Bộ LĐTBXH có 43 đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ tài chính. Ảnh: N. LỘC

Để đảm bảo triển khai tự chủ theo quy định tại Nghị định số 60 của Chính phủ và Thông tư số 56/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ LĐTBXH đã tổng hợp tình hình thu, chi của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc gửi Bộ Tài chính thẩm tra theo quy định.

Tổng số đơn vị sự nghiệp công đề xuất giao tự chủ tài chính giai đoạn 2024-2025 là 43 đơn vị theo các nhóm: tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; nhóm các hoạt động kinh tế và các đơn vị sự nghiệp bảo đảm xã hội. Hiện nay, Bộ LĐTBXH đang rà soát, bổ sung phương án tự chủ tài chính theo văn bản của Bộ Tài chính…

Qua thực tiễn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước cho thấy, có tình trạng Bộ, ngành chưa quyết liệt trong việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn kinh phí chi thường xuyên cấp cho đơn vị còn lớn, không đúng với định hướng của Nghị quyết số 19-NQ/TW. Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này tại Bộ?

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Ban cán sự đảng Bộ đã sớm ban hành Chương trình hành động số 400 năm 2018 triển khai thực hiện. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu thực hiện và đề ra giải pháp cụ thể để triển khai.

Đối với việc giao tự chủ tài chính, Bộ LĐTBXH đã nghiêm túc thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc giao tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.

Theo lộ trình cắt giảm chi thường xuyên, hàng năm chúng tôi lập dự toán chi ngân sách nhà nước thực hiện việc cắt giảm 2-3% chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập so với năm trước. Ngoài ra, khi phân bổ dự toán hàng năm Bộ tiếp tục cắt giảm chi thường xuyên của các đơn vị, riêng đối với khối các đơn vị đào tạo thực hiện việc cắt giảm 5-10%....

Ông Trịnh Duy Chấn - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ LĐTBXH

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ mặc dù đã chuyển đổi hình thức từ thu phí sang giá dịch vụ, tuy nhiên hiện nay, việc thu theo giá dịch vụ sự nghiệp vẫn đang được thực hiện theo các quy định của Nhà nước.

Ví dụ, đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP năm 2023. Lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, thực hiện Thông tư số 41/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH quy định giá tối thiểu đối với dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Lĩnh vực y tế thực hiện thu giá dịch vụ y tế theo quy định tại các Thông tư của Bộ Y tế.

Đối với các lĩnh vực khác, Bộ đã ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật các lĩnh vực trợ giúp xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em, việc làm, an toàn lao động, chăm sóc người có công. Hiện nay, các đơn vị quản lý nhà nước đang xây dựng khung giá, đơn giá áp dụng theo quy định của Luật Giá năm 2023.

Ngoài những thuận lợi, thực tiễn cũng cho thấy còn những bất cập, lỗ hổng về cơ chế, chính sách khiến đơn vị sự nghiệp công chưa thể phát huy vai trò, cũng như có tình trạng bị “trói” trong rào quy định quá chặt. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách, cơ chế tạo thuận lợi cho các đơn vị sự nghiệp trong vấn đề tự chủ nói chung và tự chủ tài chính nói riêng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy còn nhiều quy định ràng buộc; cơ chế, chính sách chưa thực sự đồng bộ trong giao quyền tự chủ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể như: cơ chế tài chính huy động nguồn lực xã hội thực hiện chính sách xã hội hóa trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công; quản lý, sử dụng tài sản công trong việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp; thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập trong phạm vi đơn giá Nhà nước quy định; trích lập các quỹ tại đơn vị, tuyển dụng và sử dụng lao động hợp đồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước và bổ nhiệm cán bộ các vị trí quản lý phải là viên chức...

Qua công tác kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính nói chung, không có nội dung kiến nghị cụ thể đối với việc lạm thu tại các đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH cũng thường xuyên rà soát, có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị sự nghiệp thu đúng quy định và kiểm tra tình hình thu giá dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua công tác quản lý tài chính, quyết toán để kịp thời chấn chỉnh, không để xảy ra tình trạng lạm thu, gây ảnh hưởng, phiền hà đến người dân…

Ông Trịnh Duy Chấn - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ LĐTBXH

Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng tăng cường giao quyền tự chủ cho các đơn vị trong quản lý tài chính, tài sản và các chính sách ưu đãi thuế, công tác tổ chức cán bộ, tuyển dụng, sử dụng lao động hợp đồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tạo điều kiện để các đơn vị sử dụng tài sản công hiệu quả nhằm tăng nguồn thu và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Từ những kết quả tích cực đạt được cũng như những bất cập, hạn chế được nhận diện, Bộ sẽ có giải pháp như thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trong thời gian tới, thưa ông?

Các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ LĐTBXH chủ yếu hoạt động cung cấp các dịch vụ cơ bản, thiết yếu. Thời gian qua, việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị luôn được Bộ quan tâm, thông qua công tác nội kiểm như Thanh tra Bộ, công tác quản lý tài chính, quyết toán kinh phí hàng năm của Bộ; cũng như công tác ngoại kiểm từ Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan.

5f0e33b054f3efadb6e2.jpg
Hoạt động của các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ LĐTBXH sẽ được đổi mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đi đôi với tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát. Ảnh: N. LỘC

Đặc biệt, Bộ cũng đã triển khai và đang hoàn thiện Quy chế về phân cấp, phân quyền trong quản lý tài chính, tài sản, đầu tư, mua sắm... để tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị sự nghiệp nâng cao tính tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo quyền tự chủ cho các đơn vị cũng cần phải có những những chế tài, quy định cụ thể thực hiện việc kiểm tra, giám sát đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của các đơn vị.

Với quan điểm như vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, ban hành các cơ chế, nhất là các lĩnh vực có tính chất đặc thù để đảm bảo quy định, tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị đẩy mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

Hai là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động hiểu đúng, hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ sự nghiệp công nhằm tăng cường nguồn thu, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ba là, chuyển đổi phương thức cấp phát kinh phí từ cấp phát đang tạo nên gánh nặng cho ngân sách nhà nước sang cấp phát theo chất lượng dịch vụ sự nghiệp và đối tượng được thụ hưởng; hoặc đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công được ngân sách nhà nước đảm bảo hoặc hỗ trợ. Từ đó tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị sự nghiệp công trong cung cấp dịch vụ trong cùng lĩnh vực, tạo sự minh bạch, công bằng; loại bỏ cơ chế "xin-cho" trong cấp phát kinh phí.

Bốn là, không giảm chi ngân sách nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả mà cấp lại kinh phí để các đơn vị này tái đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; tăng cường phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của các đơn vị sự nghiệp công gắn với tăng cường kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Nâng cao tính tự chủ, trách nhiệm giải trình của đơn vị sự nghiệp công lập