Nâng cao trách nhiệm trong thực hiện kiến nghị kiểm toán

(BKTO) - Tại Nghị quyết Phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi NSNN và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018 vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải báo cáo lũy kế kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN, khi trình quyết toán NSNN hằng năm. Theo các đại biểu Quốc hội, việc đặt ra yêu cầu này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm và bảo đảm tính minh bạch trong thực hiện kiến nghị kiểm toán.




Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ cần báo cáo rõ tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trước Quốc hội để cử tri cả nước được biết.Ảnh: TTXVN

Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán còn hạn chế

Báo cáo trước Quốc hội về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2018 về niên độ NSNN năm 2017 của KTNN trong năm 2019, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, tính đến ngày 31/12/2019, số kiến nghị xử lý tài chính thực hiện là 65.919 tỷ đồng, đạt 71,8% tổng số kiến nghị (năm 2016 đạt 78,2%, năm 2017 đạt 73,2%), trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 30.559 tỷ đồng, đạt 70,9%.

Cũng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, mặc dù năm 2019, KTNN đã có nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán nhưng kết quả thực hiện kiến nghị xử lý tài chính năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017 còn hạn chế (thấp hơn tỷ lệ thực hiện năm 2017), một số kiến nghị xử lý về tài chính chưa thực hiện. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đơn vị được kiểm toán gặp khó khăn về tài chính hoặc đang rà soát nguồn tài chính để bố trí nguồn nộp NSNN; dự án đầu tư đang trong quá trình thực hiện hoặc đã hoàn thành nhưng chưa được phê duyệt quyết toán; kiến nghị kiểm toán liên quan nhiều đối tượng, đơn vị nên chậm trễ trong quá trình thực hiện…

Thảo luận vấn đề này tại Kỳ họp, một số đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, tỷ lệ thực hiện kiến nghị của KTNN còn chưa cao, việc báo cáo xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể sai phạm trong quản lý ngân sách theo nghị quyết của Quốc hội nhiều năm chậm trễ, mức độ xử lý chủ yếu là kiểm điểm, phê bình, ảnh hưởng đến việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật ngân sách.

Đồng tình với ý kiến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc xử lý nghiêm và báo cáo kết quả xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể sai phạm trong quản lý ngân sách là cần thiết để công khai, minh bạch trong xử lý sai phạm, góp phần chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật ngân sách. Tuy nhiên, việc thực hiện kiến nghị của KTNN còn chưa triệt để, chưa tổng hợp báo cáo số thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán lũy kế để phản ánh đúng tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán. Vì vậy, Quốc hội đề nghị Chính phủ, hằng năm, khi trình quyết toán phải báo cáo lũy kế kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán các năm trước.

Bảo đảm việc thực thi nghiêm túc các kiến nghị kiểm toán

Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán bên lề Kỳ họp sau khi Nghị quyết được thông qua, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc đưa vào Nghị quyết yêu cầu Chính phủ báo cáo lũy kế việc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM), KTNN có vai trò rất quan trọng, góp phần bảo vệ tiền và tài sản nhà nước. Trong các báo cáo về quyết toán NSNN, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến báo cáo của KTNN. Việc Quốc hội yêu cầu trong báo cáo quyết toán NSNN hằng năm phải có nội dung liên quan đến lũy kế kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán là điều cần thiết, bởi việc thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị kiểm toán sẽ thu hồi về cho ngân sách quốc gia các khoản thu, chi chưa hợp lý. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình ngân sách đang có nhiều thách thức thì vai trò của KTNN càng quan trọng. Đại biểu cũng cho rằng, muốn thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách thì phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với quyền lợi của từng địa phương. Chẳng hạn, đối với những địa phương thường xuyên vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách mà KTNN đã chỉ ra thì địa phương đó không được ưu tiên trong việc phân bổ vốn đầu tư…

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) phân tích, trách nhiệm của cơ quan kiểm toán là phải báo cáo Quốc hội những nội dung mình kiểm toán. Đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội có trách nhiệm giám sát việc thực thi các kiến nghị của KTNN. Nếu chỉ cắt khúc báo cáo theo từng năm thì đại biểu Quốc hội khó có thể thể nắm được một cách hệ thống việc thực hiện kiến nghị kiểm toán từ các năm trước dồn lại như thế nào. Vì vậy, việc Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải báo cáo lũy kế việc thực hiện kiến nghị kiểm toán khi trình quyết toán hằng năm là rất cần thiết, nhằm phục vụ cho yêu cầu giám sát của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Đây cũng là thước đo để đánh giá việc thực hiện của Chính phủ. “Việc đưa nội dung này vào Nghị quyết là một điểm rất mới và phù hợp với yêu cầu hiện nay để đảm bảo những kiến nghị của KTNN phải được thực hiện một cách nghiêm túc và các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phải giám sát việc thực thi đó” - đại biểu nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Bùi Văn Phương, chắc chắn việc thực hiện kiến nghị kiểm toán trong thời gian tới sẽ tốt hơn. Bởi khi báo cáo ra Quốc hội, nếu các đơn vị được kiểm toán không thực hiện kiến nghị kiểm toán, các đại biểu Quốc hội sẽ “truy” về nguyên nhân cũng như trách nhiệm của các cơ quan, các chủ thể được kiến nghị. Đây cũng là hình thức công khai, minh bạch để thấy rõ nơi nào, địa phương nào thực hiện tốt, nơi nào thực hiện chưa tốt, qua đó sẽ tác động đến những người có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành để thực thi nghiêm túc hơn.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nhấn mạnh, hiện nay, các đại biểu Quốc hội cũng khó biết được sau khi KTNN đưa ra kiến nghị thì Bộ, ngành, địa phương nào thực hiện, Bộ, ngành, địa phương nào không thực hiện. Do đó, Chính phủ cần báo cáo rõ tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trước Quốc hội để cử tri cả nước biết. Đối với những đơn vị nào thực hiện chưa nghiêm hoặc chưa thực hiện thì Chính phủ phải chỉ đạo thực hiện. Thậm chí, những Bộ, ngành, địa phương nào, những người đứng đầu đơn vị nào không chấp hành kiến nghị kiểm toán thì Chính phủ phải có hình thức xử lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán. Mặt khác, khi những đơn vị chưa thực hiện được công bố công khai cũng là cơ sở để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cũng như đại biểu Quốc hội tiếp tục giám sát đến cùng việc thực hiện kiến nghị kiểm toán.
N.HỒNG
Cùng chuyên mục
Nâng cao trách nhiệm trong thực hiện kiến nghị kiểm toán