Cùng dự Tọa đàm, có bà Khamphao Ernthavanh - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHDCND Lào tại Việt Nam, các thành viên của Đoàn công tác.
Về phía Việt Nam, có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, Ủy viên thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An; Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị tham mưu và KTNN khu vực I của KTNN Việt Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào Sommad Pholsena cảm ơn sự đón tiếp chân tình KTNN Việt Nam đồng thời cho rằng, Tọa đàm là dịp quan trọng để hai bên cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác kiểm toán. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chức năng giám sát tối cao của Quốc hội đối với việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản và nguồn lực công.
Đại diện KTNN Việt Nam tham luận tại Tọa đàm, ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cho biết, KTNN thực hiện kế hoạch kiểm toán hằng năm sau khi báo cáo Quốc hội, thực hiện công khai kết quả kiểm toán, cung cấp thông tin, tài liệu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các cơ quan của Quốc hội... Kết quả kiểm toán của KTNN vừa cung cấp bức tranh tổng quan về tình hình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, vừa chỉ ra cụ thể những vấn đề tồn tại, hạn chế tại từng địa phương, đơn vị dự toán, dự án đầu tư cũng như tại từng doanh nghiệp được kiểm toán...
Kết quả kiểm toán giúp Quốc hội và các cơ quan dân cử thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát sử dụng nguồn tài chính công, tài sản công của đất nước thông qua các kiến nghị về xử lý tài chính, kiến nghị trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách.
Từ khi thành lập đến nay, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý khoảng 740.000 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng trên 40%; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 2.200 nội dung/văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không phù hợp quy định và thực tiễn.
Thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN đã tập trung, tăng cường kiểm toán đạt 90% báo cáo quyết toán ngân sách các Bộ, cơ quan Trung ương, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương. Qua đó, góp phần công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, là cơ sở để Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
Hoạt động kiểm toán luôn bám sát hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH ngay từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, hàng năm. Nội dung kiểm toán thường tập trung vào các vấn đề được Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm, các chủ trương/chính sách lớn của đảng, Nhà nước, các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí.
Theo đại diện của KTNN, thời gian gần đây, với sự đổi mới về thành phần tham gia trong hoạt động giám sát của Quốc hội, KTNN luôn cử đại diện tham gia các Đoàn giám sát.
"Căn cứ vào các kết quả kiểm toán của KTNN, các thành viên Đoàn giám sát thuộc KTNN sẽ cung cấp thông tin, các vấn đề lưu ý đối với từng lĩnh vực cho Đoàn giám sát, giúp Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát “đúng”, “trúng”, đi vào chiều sâu đối với những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm" - ông Vũ Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, KTNN không ngừng nâng cao chất lượng ý kiến tham gia đối với dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), phương án phân bổ ngân sách Trung ương, phương án điều chỉnh dự toán NSNN, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia... Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử một cách chủ động, “từ sớm, từ xa” ngay từ khi hoạch định chính sách, ban hành quy định pháp luật và trước khi quyết định phân bổ, sử dụng các nguồn lực công.
Nhấn mạnh kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là một trong những thước đo về tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán, ông Vũ Ngọc Tuấn cho biết, công tác theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán có ý nghĩa hết sức quan trọng.
"Giá trị của Báo cáo kiểm toán chỉ thực sự phát huy khi kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ" - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp khẳng định.
Về cơ bản các kiến nghị của KTNN đều đã được các đơn vị tổ chức thực hiện. Các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác của KTNN được thực hiện bình quân khoảng 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ khoảng 15-20% số kiến nghị còn lại mỗi năm.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng đã trao đổi, chia sẻ những thông tin chuyên môn sâu về quy trình kiểm toán, cách thức tổ chức thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán, cũng như những bài học thực tiễn trong các lĩnh vực kiểm toán quan trọng.
Các ý kiến góp phần làm rõ vai trò thiết yếu của KTNN trong việc hỗ trợ Quốc hội giám sát hiệu quả hơn. Qua đó thể hiện mối quan tâm sâu sắc đến các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán, cũng như những kinh nghiệm thực tiễn trọng việc nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của KTNN.
Phát biểu tại Tọa đàm, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, Quốc hội có vai trò hết sức quan trọng trong việc đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN. Quá trình thảo luận thông qua báo cáo quyết toán ngân sách hằng năm, Quốc hội luôn cho ý kiến và yêu cầu các cơ quan có liên quan giải trình những nội dung về thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN, trong đó nêu rõ kết quả thực hiện, nguyên nhân, bài học, giải pháp khắc phục.
UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, trong đó có Điều 14 quy định xử phạt đối với “Hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN”.
Đặc biệt, tháng 8/2023, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tổ chức phiên giải trình “Việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021”, yêu cầu KTNN, các Bộ, ngành địa phương có nhiều tồn đọng về thực hiện kết luận kiểm toán giải trình cụ thể qua đó nhận diện được những nguyên nhân, bài học và đề ra giải pháp khắc phục tình trạng chậm thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN.
Liên quan đến câu hỏi của Đoàn đại biểu Quốc hội nước CHDCND Lào về cơ chế cung cấp thông tin giữa KTNN và Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, hiện nay, KTNN đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và chuyển đối số trong hoạt động kiểm toán. Bên cạnh các báo cáo gửi Quốc hội, KTNN đang thực hiện số hóa hoàn toàn các báo cáo kiểm toán được phát hành và cung cấp tài khoản cho các cơ quan của Quốc hội, các cá nhân có liên quan để truy cập vào cơ sở dữ liệu của KTNN, khai thác toàn bộ nội dung báo cáo kiểm toán.
Tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào khẳng định: KTNN có một vị trí, vai trò rất quan trọng; là cơ quan giám sát, giúp Quốc hội đảm bảo tính minh bạch trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Đánh giá rất cao sự hỗ trợ của KTNN Việt Nam đối với KTNN Lào, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào bày tỏ mong muốn tiếp tục được học hỏi kinh nghiệm của KTNN Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đánh giá: Những kinh nghiệm được chia sẻ tại buổi Tọa đàm đã khẳng định cam kết chung trong việc nâng cao vai trò và trách nhiệm của KTNN, đáp ứng yêu cầu giám sát tối cao của Quốc hội.
Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Quốc hội nước CHDCND Lào sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho sự hợp tác hiệu quả giữa hai cơ quan kiểm toán trong tương lai./.