Mùa hè nắng nóng làm tăng nguy cơ cháy nổ. Ảnh sưu tầm |
Tình hình cháy nổ vẫn phức tạp
Vụ cháy nhà khiến 8 người tử vong ở quận 1, TP. HCM, vụ nổ khí gas gây cháy làm 3 người tử vong tại quận Hoàng Mai, hay vụ cháy tại khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) xảy ra mới đây khiến 5 người trong một gia đình tử vong là những vụ cháy để lại hậu quả nghiêm trọng, cướp đi nhiều sinh mạng khiến người dân không khỏi giật mình lo lắng, trước nguy cơ bị “giặc lửa” tấn công. Đây chỉ là những trường hợp điển hình trong số hàng nghìn vụ cháy xảy ra mỗi năm, gây thiệt hại to lớn cả về người, tài sản cũng như để lại bao hệ lụy cho xã hội.
Trong báo cáo tổng kết 1 năm thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với khu dân cư, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, trong thời gian từ 15/4/2021 đến 15/4/2022, toàn quốc đã xảy ra 1.908 vụ cháy làm chết 80 người và bị thương 113 người; tài sản thiệt hại ước tính gần 830 tỷ đồng. Trong đó, 850 vụ xảy ra tại khu vực nhà dân, 445 vụ xảy ra ở khu vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ văn phòng...
Các vụ cháy nổ thời gian qua tập trung chủ yếu tại các địa phương như: TP. HCM, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai... Đây là những địa bàn có nhiều khu dân cư đông đúc, không gian sống chật hẹp và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, khu vực đô thị, nơi tập trung đông nhà ở, các cơ sở kinh doanh cũng là nơi có số vụ cháy nghiêm trọng chiếm tỷ lệ lớn nhất thời gian qua.
Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy, cũng như gây ra hậu quả nặng nề chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện; do bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; sự phát triển nhanh về số lượng nhà cao tầng, xí nghiệp; sự thiếu trách nhiệm hoặc thiếu kỹ năng PCCC của người dân; người đứng đầu các đơn vị chưa tuân thủ các quy định về an toàn PCCC… Bên cạnh đó, còn có yếu tố khách quan như cơ sở hạ tầng không đảm bảo, nhiều khu dân cư nằm sâu trong ngõ hẹp... khiến xe chữa cháy khó tiếp cận. Mạng lưới PCCC còn mỏng, lực lượng PCCC chuyên trách chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nguy cơ cháy nổ
Trước thực trạng các vụ việc cháy nổ còn phức tạp, đặc biệt là trong mùa nắng nóng, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đổi mới hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong PCCC; lực lượng PCCC cần nâng cao tinh thần chủ động, đảm bảo các phương án cứu hộ, cứu nạn hiệu quả, khi sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của cộng đồng trong việc phòng ngừa và xử lý sự cố cháy nổ.
Lực lượng cảnh sátPCCC kiểm tra các thiết bị PCCC tại một chung cư trên địa bàn quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Ảnh: N.LỘC |
Với tinh thần đó, thời gian qua, nhiều địa phương đã xây dựng, triển khai hiệu quả các mô hình PCCC. Điển hình là các mô hình: “Đội PCCC cơ động tình nguyện phường Dịch Vọng Hậu” trên địa bàn quận Cầu Giấy, “Triển khai lắp đặt phương tiện chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu” trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, mô hình “Tổ PCCC sử dụng xe ba gác chữa cháy lưu động tại xã Hữu Bằng” trên địa bàn huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội…
Là một trong những mô hình đầu tiên được triển khai trên địa bàn Thủ đô, từ năm 2016 đến nay Đội PCCC cơ động tình nguyện phường Dịch Vọng Hậu ngày càng lớn mạnh. Ông Tống Xuân Duy - Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho biết, do khu vực phường nhiều ngõ hẹp, nên Đội PCCC cơ động sử dụng xe đạp gắn loa tuyên truyền tới từng hộ dân trên địa bàn. Việc làm này được thực hiện thường xuyên, liên tục hằng ngày giúp người dân nâng cao ý thức phòng ngừa cháy nổ và thực tế vài năm gần đây địa bàn không xảy ra vụ cháy nổ nghiêm trọng nào đã chứng minh hiệu quả mang lại. “Tình hình cháy nổ vẫn phức tạp và để lại hậu quả nặng nề, đòi hỏi mỗi tổ chức, người dân phát phát huy tính chủ động phòng ngừa hơn nữa, trong đó cần nhân rộng các mô hình PCCC từ cộng đồng" - ông Duy cho biết.
Xác định nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ vừa qua phần lớn là do ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của người dân còn kém, các chuyên gia cho rằng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân chính là giải pháp trọng tâm để ngăn ngừa cháy nổ, song lại không dễ thực hiện. Theo đó, bên cạnh giải pháp tuyên truyền, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm quy định PCCC để tạo chuyển biến trong ý thức, trách nhiệm của người dân, tổ chức về PCCC.
Kỳ vọng Nghị định số 144/2021/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC, cứu nạn, cứu hộ (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022), trong đó điều chỉnh mức phạt tiền tăng cao gấp nhiều lần so với quy định cũ sẽ tạo sức răn đe, song luật sư Nguyễn Đức Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cũng lưu ý, điều quan trọng là các quy định này phải được thực thi nghiêm túc; đồng thời cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện vi phạm từ sớm để chấn chỉnh kịp thời, tránh để "mất bò mới lo làm chuồng".
Theo thống kê, trong năm 2021, toàn quốc xảy ra 2.245 vụ cháy, làm chết 85 người, bị thương 130 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 374,42 tỷ đồng. Xảy ra 21 vụ nổ, làm 12 người chết, bị thương 15 người. |
NGUYỄN LỘC