Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi. Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính |
Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số IIP tháng 5 ước tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5%; ngành khai khoáng tăng 4,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,4%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,2%, đóng góp 7,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4,1%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số IIP 5 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước là sản xuất trang phục; thiết bị điện, điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; thuốc, hóa dược và dược liệu; khai thác than cứng và than non; sản xuất da và các sản phẩm liên quan; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn...
Ở chiều ngược lại, Chỉ số IIP của một số ngành giảm là sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị; thoát nước và xử lý nước thải; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên...
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng Chỉ số IIP của 5 tháng đầu năm 2022 cao hơn so với tốc độ tăng của 5 tháng các năm 2018-2021 (đạt lần lượt là: 10,3%; 9,5%; 1,7%; 10%; 8,3%).
Điểm danh một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn, có tốc độ tăng chỉ số IIP tháng 5/2022 cao so với tháng trước, Tổng cục Thống kê nêu: Bình Dương tăng 9%; Hà Tĩnh tăng 6,9%; TP.HCM tăng 6,5%; Hải Dương tăng 3,6%; Vĩnh Long tăng 3,4%; Thái Nguyên tăng 3%; Long An tăng 2,7%; Quảng Ninh tăng 2,3%.../.