Thuận lợi hơn trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

(BKTO) - Nhằm trao đổi với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương về những điểm mới trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ, tại tỉnh Lâm Đồng.



                
   

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã mang lại hiệu quả tích cực. Ảnh: TTXVN

   

Nghị định số 27/2022/NĐ-CP được ban hành với mục đích hoàn thiện hệ thống khung khổ pháp luật và thống nhất trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đáp ứng các yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.

Cụ thể, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; việc lập và giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm và hằng năm.

Đồng thời quy định về việc huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức quản lý, giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nêu rõ, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP đã khắc phục những tồn tại, bất cập và sửa đổi những quy định không còn phù hợp, hướng tới phân cấp, trao quyền chủ động hơn cho địa phương trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
                
   

Đông đảo đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: MPI

   

Tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ KH&ĐT) đã trình bày về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; đại diện các cơ quan chủ quản chương trình mục tiêu quốc gia đã chia sẻ về định hướng khung chính sách tổ chức thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Các đại biểu cũng chia sẻ, trao đổi thẳng thắn về những thuận lợi, khó khăn khi áp dụng Nghị định; đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp phù hợp với mục tiêu, quan điểm để tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia một cách hiệu quả nhất.

Trước đó, Hội nghị triển khai Nghị định số 27/2022/NĐ-CP cũng đã được tổ chức tại Hà Nội dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng KH&ĐT Trần Quốc Phương và Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam Mark Tattersall.

Đông đảo lãnh đạo UBND các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Bắc Ninh, Nam Định, đại diện lãnh đạo cơ quan Trung ương và lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã tham dự Hội nghị.

Tại đây, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh, theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, vốn của chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được ưu tiên hỗ trợ thực hiện các dự án, kế hoạch phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; các dự án, mô hình thực hiện trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để triển khai, Nghị định quy định rõ các điều kiện và mức hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ dự án, phương án sản xuất của cộng đồng; phát triển sản xuất theo nhiệm vụ; hỗ trợ phát triển sản xuất đặc thù./.
PHÚC KHANG

Cùng chuyên mục
Thuận lợi hơn trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia