Nâng “chất” dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản

(BKTO) - Thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam luôn là “thỏi nam châm” thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, thu hút vốn FDI vào lĩnh vực BĐS không chỉ ở số lượng vốn, mà quan trọng hơn cần thu hút có chọn lọc để nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại, đóng góp vào việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường BĐS Việt Nam.

von-fdi-bds-thien.jpg
Thị trường bất động sản Việt Nam luôn thu hút nguồn vốn FDI lớn. Ảnh: D.THIỆN

Thị trường bất động sản thu hút nguồn vốn ngoại lớn

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, BĐS luôn là một trong những lĩnh vực nằm trong top đầu về thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Lũy kế đến nay, cả nước đã thu hút được trên 1.100 dự án đầu tư vào lĩnh vực BĐS, với tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn FDI. Trong đó, đã có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Về địa phương, có 45 tỉnh/thành phố có đầu tư FDI vào lĩnh vực BĐS. Về quy mô, phần lớn doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn. Nhiều dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS có quy mô lên đến hàng tỷ USD.

Lý giải nguyên nhân lĩnh vực BĐS luôn có sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, trước hết là bởi Việt Nam được đánh giá là một thị trường nhiều tiềm năng. Với dân số hiện đạt hơn 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường rộng lớn. Hơn nữa, tỷ lệ người dân thuộc tầng lớp trung lưu đang có xu hướng tăng nhanh, dự báo từ khoảng 13% dân số hiện nay sẽ tăng lên khoảng 26% vào năm 2026, trở thành tiềm năng cho sự phát triển của thị trường BĐS.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng, những quốc gia có GDP bình quân đầu người chưa đến 7.000USD thì có tiềm năng phát triển BĐS rất mạnh. Trong khi đó, Việt Nam hiện có mức GDP/người khoảng hơn 4.280USD (tính đến cuối năm 2023) nên vẫn còn dư địa để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường BĐS. Mặt khác, một số chính sách về nhà ở của Việt Nam quy định trong Luật Nhà ở đã thông thoáng hơn, cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đã tạo tâm lý yên tâm cho nhà đầu tư nước ngoài và kích thích họ đầu tư nhiều hơn vào thị trường BĐS Việt Nam. Ngoài ra, BĐS là lĩnh vực được đánh giá sẽ mang lại lợi nhuận từ mức khá trở lên, cũng là một yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư...

Bên cạnh những lý do trên, theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, còn có nguyên nhân xuất phát từ chính các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, trong bối cảnh việc huy động vốn từ kênh ngân hàng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng trở nên khó khăn thì việc tìm kiếm các nguồn vốn khác, trong đó có vốn FDI là một trong những xu hướng các doanh nghiệp nội đang phải hướng đến. Qua đó, việc liên doanh, liên kết giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng được đẩy mạnh hơn, dẫn đến nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS Việt Nam thông qua các hình thức mua bán, sáp nhập, góp vốn, mua cổ phần… cũng tăng lên.

Cần “bộ lọc” trong thu hút dòng vốn ngoại

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trong thời gian qua, với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, lĩnh vực BĐS Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng. Theo đó, bên cạnh việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BĐS đã góp phần chuẩn hóa thị trường BĐS Việt Nam, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp Việt Nam có những công trình BĐS đạt tiêu chuẩn tương đương với các nước trong khu vực và thế giới. Một số dự án BĐS đã có xu hướng tích hợp được các tiêu chí xanh, công năng xanh vào chu trình phát triển và vận hành. Đặc biệt, việc thu hút nhiều dự án FDI trong lĩnh vực BĐS đã giúp đa dạng hóa các loại hình BĐS tại Việt Nam. Theo đó, bên cạnh sản phẩm truyền thống là BĐS nhà ở thì các loại hình khác như: BĐS công nghiệp, BĐS nghỉ dưỡng, BĐS chăm sóc sức khỏe... đã tăng lên rõ rệt…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, theo các chuyên gia, việc thu hút vốn FDI vào thị trường BĐS vẫn còn có những quan ngại, cần sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Đó là tình trạng nhiều dự án trì trệ, chậm triển khai, thậm chí “đắp chiếu” nhiều năm liền, gây nên sự lãng phí tài nguyên đất đai rất lớn, làm xấu “bộ mặt” đô thị, ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của những nhà đầu tư chân chính. Mặt khác, nhiều nhà đầu tư triển khai dự án hiệu quả không cao, nhất là tình trạng nhà đầu tư chỉ tập trung đầu tư vào một vài phân khúc dẫn đến chênh lệch cung - cầu lớn, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển chung của thị trường BĐS…

Trước thực tế đó, theo khuyến nghị của các chuyên gia, việc gia tăng thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực BĐS là một xu thế tất yếu trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, để dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước thì quá trình thu hút vốn FDI cần thực hiện phù hợp với các quy hoạch chiến lược mà Việt Nam đã đặt ra, nhất là định hướng thu hút vốn FDI chất lượng cao. Đặc biệt, trước khi cấp phép đầu tư, các cơ quan chức năng cần chú trọng việc chọn lọc, thẩm định tính khả thi của dự án, cũng như hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp phát triển dự án theo xu hướng chuyển đổi xanh, có trách nhiệm đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam; đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, trì trệ để dành cơ hội cho những nhà đầu tư tiềm năng, phù hợp hơn…

Để thu hút nguồn vốn FDI chất lượng vào lĩnh vực BĐS, các địa phương cần đổi mới biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến các vấn đề như thủ tục đầu tư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tuyển dụng lao động…/.

Cùng chuyên mục
Nâng “chất” dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản