Nâng tầm hiệu quả đánh giá việc thực hiện SDGs

(BKTO) - Các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI), trong đó có KTNN Việt Nam đã và đang đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Chính phủ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để nâng tầm hiệu quả đánh giá việc thực hiện SDGs, các chuyên gia tài chính, kế toán, kiểm toán trong khu vực công cần tận dụng dữ liệu, thực hiện tốt sự phối hợp với các tổ chức và cá nhân liên quan…



KTNN Việt Nam nỗ lực đồng hành với Chính phủ thực hiện SDGs

         
   
Trưởng đại diện ACCA Hà Nội Nguyễn Mai Chi
   
Với vai trò là hội nghề nghiệp quốc tế hỗ trợ thực tiễn về kiểm toán SDGs, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) đánh giá cao các nỗ lực của KTNN Việt Nam, đặc biệt trong vai trò Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021. SAI Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn quốc tế về kiểm toán SDGs, gần đây nhất là Phiên thảo luận chính thức về vai trò của các SAI với kiểm toán SDGs và Hội thảo bàn tròn chuyên đề cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị Khu vực công toàn cầu ACCA. Tại đây, KTNN Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm bước đầu với kết quả đáng khích lệ của các cuộc kiểm toán hoạt động và kiểm toán môi trường có chủ đề liên quan đến SDGs.

Theo đó, kết quả Cuộc kiểm toán hoạt động: “Việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy của TP. HCM theo Đề án của Chính phủ” (năm 2018) đã chỉ ra những hạn chế trong công tác lập kế hoạch, tổ chức thông tin tuyên truyền, đôn đốc thực hiện giải pháp khuyến khích sản xuất túi ni lông sinh học có khả năng tự phân hủy… Các cuộc kiểm toán thuộc lĩnh vực môi trường tại tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bình Thuận đối với các khu công nghiệp (năm 2018) cho thấy, chất lượng nước thải tại các khu công nghiệp không ổn định, tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong khu vực; hệ thống quan trắc tự động chưa đảm bảo điều kiện hoặc hoạt động không hiệu lực do việc đầu tư, vận hành không đồng bộ…

Tại Cuộc kiểm toán: “Hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội” (năm 2019), KTNN đã chỉ ra 82% bệnh viện được kiểm toán vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế không đảm bảo quy trình; 86% bệnh viện chưa đảm bảo đầy đủ các hồ sơ, thủ tục môi trường theo quy định; 59% bệnh viện chưa thực hiện chế độ báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế, báo cáo quan trắc môi trường định kỳ đầy đủ và kịp thời; 82% bệnh viện chưa thực hiện đúng quy định về lưu giữ chất thải y tế như bố trí kho lưu giữ chất thải không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; lưu giữ chất thải y tế lây nhiễm vượt quá thời gian cho phép…

Nhìn chung, các kết quả kiểm toán đã nêu bật những bất cập, hạn chế của hệ thống quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong một số lĩnh vực chuyên môn sâu, đặc biệt là lĩnh vực môi trường và SDGs; đồng thời, đánh giá tương đối toàn diện về ưu điểm, hạn chế, phân tích nguyên nhân và đánh giá tác động của những kiến nghị khả thi đối với một số vấn đề nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm. Đây là những bước đi rất hiệu quả của KTNN Việt Nam trong việc đánh giá và giám sát thực hiện SDGs.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, KTNN Việt Nam và 2 SAI: Thái Lan, Myanmar sẽ thực hiện Cuộc kiểm toán hợp tác: “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện SDGs”. Cuộc kiểm toán này được kỳ vọng sẽ là khởi đầu cho các cuộc kiểm toán chuyên sâu về trách nhiệm của các quốc gia đối với sự phát triển bền vững cũng như các vấn đề về biến đổi khí hậu, môi trường trong thời gian tới.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của các chuyên gia khu vực công

Kinh nghiệm thực tế tại các quốc gia cho thấy, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19, vai trò của chuyên gia tài chính, kế toán, kiểm toán khu vực công trong giám sát và đánh giá tiến độ thực hiện SDGs ngày càng trở nên quan trọng. Họ không chỉ có trách nhiệm giám sát Chính phủ mà còn đóng vai trò đẩy mạnh nhận thức về SDGs.

Các chuyên gia tài chính, kế toán, kiểm toán khu vực công cần đảm bảo các gói kích cầu giải cứu nền kinh tế bị ảnh hưởng của Covid-19 duy trì được đà thực hiện SDGs. Họ cũng có trách nhiệm thông báo các kế hoạch quốc gia chậm triển khai hoặc không đủ ngân sách để thực hiện SDGs đã cam kết. Quá trình giám sát nên đưa tiếng nói của người dân thụ hưởng và các đối tượng có liên quan để việc giám sát, đánh giá hiệu quả hơn.

Công cụ để các chuyên gia tài chính, kế toán, kiểm toán khu vực công giám sát và đánh giá tiến độ thực hiện SDGs chính là dữ liệu. Vì vậy, dữ liệu phù hợp rất quan trọng, các dữ liệu này cần toàn diện và hữu ích cho phép dự đoán và đánh giá dài hạn, không chỉ dừng lại ở đánh giá theo vòng đời thực hiện kế hoạch ngân sách công hằng năm và các chuyên đề giám sát ngắn hạn. Các chuyên gia tài chính, kế toán, kiểm toán công không chỉ tập trung vào thông tin tài chính đã qua mà cần sử dụng cách tiếp cận dự báo tài chính công và phát triển bền vững, kết nối các kỹ thuật báo cáo tài chính và phi tài chính để đánh giá cả mục tiêu tài chính và mục tiêu tạo ra giá trị rộng hơn của thực hiện SDGs.

Riêng các kiểm toán viên khu vực công sẽ cần thực hiện cả kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động để đánh giá Chính phủ đã thực hiện SDGs theo cam kết hay chưa, đồng thời đảm bảo Chính phủ phân bổ đủ nguồn lực dành cho SDGs này. Theo đó, các kiểm toán viên khu vực công sẽ phải tìm cách giải quyết những thiếu hụt của chuẩn mực kế toán hiện tại chưa đủ hướng dẫn để có thông tin đầy đủ nhất ở mọi thời điểm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia tài chính, kế toán, kiểm toán khu vực công cần phối hợp với các Bộ, sở, ban, ngành, các tổ chức xã hội tại địa phương và đơn vị, cá nhân liên quan để đảm bảo chi tiêu công đúng và bền vững. Để đạt được SDGs, cần có cách tiếp cận phối kết hợp của tất cả các cơ quan thuộc Chính phủ, đối tác công - tư và giữa các quốc gia với nhau.

NGUYỄN MAI CHI
Trưởng đại diện ACCA Hà Nội
Cùng chuyên mục
Nâng tầm hiệu quả đánh giá việc thực hiện SDGs