Nâng tầm vị thế Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu

(BKTO) - Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị chỉ lập một trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam, với một khung chính sách duy nhất và được đặt tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Việc thành lập TTTCQT là vấn đề mới, khó và chưa từng có tiền lệ ở nước ta song là yêu cầu hết sức cần thiết cho giai đoạn phát triển bứt phá của đất nước.

24-tttc.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét việc hình thành TTTCQT tại Việt Nam, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VPQH

Nhiều lợi thế để phát triển trung tâm tài chính quốc tế

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT tại Việt Nam đã chính thức được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 44 và sẽ là nội dung nằm trong chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sắp tới.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý để xây dựng và phát triển TTTCQT, đặt tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành TTTCQT hàng đầu, vận hành theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, kết nối với các thị trường và TTTC lớn trên thế giới, qua đó nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu. Việc thành lập TTTCQT cũng hướng đến thúc đẩy tài chính bền vững, khuyến khích phát triển các sản phẩm tài chính xanh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững; tạo điều kiện liên kết các sàn giao dịch trong nước với quốc tế, thúc đẩy dòng vốn và công nghệ tài chính vào Việt Nam; thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực tài chính và dịch vụ hỗ trợ vào làm việc tại TTTCQT.

Các chính sách đề xuất cần đột phá, không rập khuôn, có chọn lọc, tận dụng lợi thế của quốc gia đi sau để vận dụng những kinh nghiệm tốt của quốc tế, khắc phục những hạn chế và tạo được sức cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, cần có cơ chế quản lý nhà nước, cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả, bảo đảm quản lý được rủi ro để bảo đảm an ninh, an toàn của hệ thống tài chính, ổn định chính trị, an toàn trật tự xã hội, quốc phòng an ninh và hoạt động đối ngoại.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Theo đánh giá của Chính phủ, Việt Nam đang là điểm sáng về phát triển và tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư, đang dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành TTTC, có khả năng liên kết với các TTTC trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng nằm trong số những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính tương lai, có thể tạo được lợi thế cạnh tranh, hình thành các sản phẩm “đặc thù” cho TTTC ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển TTTCQT. Đặc biệt, nước ta có TP. Hồ Chí Minh được đưa vào xếp hạng trong danh sách chính thức các TTTC toàn cầu. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để hình thành TTTCQT tại Việt Nam; góp phần tạo nền tảng để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Đầu năm 2025, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập TTTCQT toàn diện tại TP. Hồ Chí Minh và trung tâm tài chính khu vực tại TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, qua khảo sát và tham khảo kinh nghiệm thế giới, Bộ Tài chính nhận thấy việc xây dựng 2 TTTC quy mô, tầm cỡ khác nhau tại 2 thành phố có thể hiệu quả không cao, khả năng thành công thấp, nhất là trong bối cảnh mô hình này hoàn toàn mới ở Việt Nam. Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, Chính phủ thống nhất sẽ trình lại cấp có thẩm quyền, trong đó xác định Việt Nam chỉ có 1 TTTCQT, với một khung chính sách duy nhất và được đặt tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Bảo đảm căn cứ pháp lý, chính sách vượt trội để vận hành thành công

Báo cáo tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, “xây dựng TTTCQT là việc rất khó nhưng không thể không làm vì rất cần thiết cho giai đoạn bứt phá sắp tới”. Toàn cầu có tới 121 TTTC, trong số đó chỉ có dưới 10 TTTC được gọi là thành công; do đó, việc xây dựng, củng cố và phát huy các lợi thế cạnh tranh để hình thành TTTCQT đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam. Tuy nhiên, nếu thành công, sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế như giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, bắt kịp chuẩn mực quốc tế…

Tại Dự thảo Nghị quyết, một loạt chính sách vượt trội như: quy định nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu của thành viên TTTCQT; nhà đầu tư được phép thành lập tổ chức kinh tế mà không cần phải có dự án đầu tư; nhà đầu tư được quyền tự do kinh doanh, đầu tư với các tổ chức, cá nhân ngoài lãnh thổ Việt Nam, người không cư trú hoặc với thành viên trung tâm tài chính quốc tế khác…

Thống nhất cao về sự cần thiết hình thành TTTCQT song với tính chất là nội dung rất khó, rất mới và phức tạp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần làm rõ hơn các vấn đề trong Dự thảo Nghị quyết; bảo đảm các nhóm chính sách đưa ra đủ tiền đề, đủ cơ sở pháp lý để hình thành và vận hành thành công TTTCQT. Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đề án TTTCQT đang thiếu định lượng và mô hình cụ thể. “Thực tế, việc thành lập TTTCQT hay khu thương mại tự do đều phải có nhà đầu tư chiến lược, đều có những mối quan hệ với nước ngoài. Nếu không thì bài học từ các khu kinh tế mở là không có nhà đầu tư chiến lược. Chúng ta vẽ rất lớn ra nhưng nhà đầu tư không đến và mênh mông đất nhưng bao năm nay để hoang” - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và đề nghị bổ sung mô hình, một số chỉ tiêu, quy mô để tăng tính thuyết phục.

Các ý kiến cũng đề nghị cần làm rõ đâu là những chính sách đột phá, vượt trội, khác biệt, riêng có của Việt Nam, để bảo đảm được tính cạnh tranh của một TTTCQT kết nối liên thông với toàn cầu. Đồng thời, cần làm rõ mô hình, mối quan hệ, tính độc lập của việc thành lập 1 TTTCQT nhưng đặt tại 2 nơi, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương cũng như mang lại hiệu quả tổng thể. “Bản thân hai trung tâm này không tự cạnh tranh với nhau mà chỉ cạnh tranh với quốc tế với thế mạnh của mình” - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các ưu đãi chính sách về thuế cũng phải khả thi và có cơ chế kiểm soát, tránh lợi dụng gây thất thoát ngân sách, bảo đảm không vi phạm các cam kết quốc tế, thực hiện đúng nguyên tắc thuế tối thiểu toàn cầu; chính sách ưu đãi về đất đai cần rõ ràng, tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện./.

Cùng chuyên mục
Nâng tầm vị thế Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu