Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều lực cản

(BKTO) - Nhiều lực cản đối với nền kinh tế, đặc biệt là các yếu tố gây ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát đã được Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2022.

doanh-so-ban-le.jpg
Nguồn: WB

Tăng trưởng bán lẻ, xuất khẩu giảm tốc trong khi FDI bật tăng

Theo Báo cáo, trong tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,3% so cùng kỳ năm trước và so với 10,3% trong tháng trước. Doanh số bán lẻ tăng 17,1% trong tháng 10 so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức 32,3% trong tháng trước.

Mặc dù cán cân thương mại ghi nhận thặng dư ở mức 2,3 tỷ USD trong tháng 10 - tháng thứ năm liên tiếp - nhưng tăng trưởng xuất khẩu lại giảm từ 10,3% trong tháng 9 so với cùng kỳ, xuống còn 4,8% trong tháng 10 so với cùng kỳ. Đây là tốc độ tăng thấp nhất kể từ tháng 10/2021.

Tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc một phần là do hiệu ứng xuất phát điểm thấp đang mờ dần và một phần cũng do sức cầu bên ngoài yếu đi. Nhập khẩu hàng hóa nhích nhẹ từ 6,5% trong tháng 9 so với cùng kỳ lên 7,1% trong tháng 10 so với cùng kỳ nhưng cơ cấu nhập khẩu có sự thay đổi.

fdi.jpg
Nguồn: WB

Tổng vốn đăng ký đầu tư nhảy vọt lên 3,7 tỷ USD trong tháng 10, tăng 122% so với cùng kỳ, cao thứ nhì trong năm 2022. Mức tăng này có được là nhờ các khoản đầu tư lớn vào cơ sở sản xuất kinh doanh mới (2 tỷ USD) trong lĩnh vực điện, khí và cấp nước.

Số giải ngân vốn FDI vẫn đứng vững, tăng 8,1% trong tháng 10 so với cùng kỳ và tăng 15,2% trong 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ.

Lạm phát vượt chỉ tiêu 4% kể từ tháng 4/2020

Lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tốc từ 3,9% trong tháng 9 lên 4,3% trong tháng 10, lần đầu tiên vượt trên chỉ tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kể từ tháng 4/2020.

cpi.jpg
Nguồn: WB

Lạm phát gia tăng là do giá lương thực thực phẩm tăng mạnh từ 2,8% trong tháng 9 so với cùng kỳ lên 5% trong tháng 10/2022 so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ tháng 12/2020.

Lạm phát cơ bản, nghĩa là không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng được Nhà nước quản lý giá (y tế và giáo dục), tiếp tục tăng từ 3,8% trong tháng 9 so với cùng kỳ lên 4,5% trong tháng 10, đạt kỷ lục mới.

Giá xăng nhập khẩu bình quân giảm bốn tháng liên tiếp (giảm 9% so với tháng trước) và dự kiến sẽ giúp hạ áp lực lạm phát trên thị trường trong nước.

tin-dung.jpg
Nguồn: WB

Sau khi đạt kỷ lục tăng 16,9% trong tháng 9 so với cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng giảm xuống còn 16,5% trong tháng 10 so với cùng kỳ. Tốc độ tăng giảm xuống là do tác động của việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thặt chặt điều kiện huy động tài chính trong nước bằng cách nâng lãi suất lên tổng cộng 200 điểm cơ bản trong tháng 9 và tháng 10.

Lãi suất liên ngân hàng qua đêm đạt kỷ lục mới ở mức bình quân 5,8% trong tháng 10 so với 4,9% trong tháng 9/2022, cao hơn nhiều so với lãi suất 0,65% trong năm trước đó. Lãi suất cũng biến động mạnh hơn, dao động từ mốc đáy 3,1% lên mốc đỉnh 8,4% trong tháng 10.

VND/USD chính thức tiếp tục bị mất giá trong tháng 10/2022. Đến ngày 03/11/2022, đồng tiền của Việt Nam mất 9,1% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm. Mặc dù vậy, đồng nội tệ vẫn bị mất giá ít hơn so với các đồng tiền khác.

Ngân sách bội thu dù tổng thu giảm 

Cân đối ngân sách theo tháng ghi nhận bội thu ở mức 0,2 tỷ USD trong tháng 10 sau khi rớt nhẹ xuống ngưỡng bội chi trong tháng 9. Ngân sách bội thu cho dù tổng thu giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước, lần đầu tiên thu ngân sách giảm trong năm 2022.

Tổng chi tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp. Đến cuối tháng 10/2022, thu ngân sách của Chính phủ vượt tổng dự toán thu cho cả năm ở mức 3,7%, nhưng chi ngân sách chỉ đạt 68,3% so với tổng dự toán chi cả năm, dẫn đến bội thu ngân sách ở mức 10,7 tỷ USD.

Giải ngân đầu tư công đạt 56,6% so với kế hoạch được Quốc hội phê duyệt, cao hơn hai điểm phần trăm so với năm trước (53,9%) trong khi chi thường xuyên đạt 75,7%, thấp hơn so với 77% cùng kỳ năm trước.

Trong 10 tháng năm 2022, tổng khối lượng trái phiếu phát hành đạt 34,9% kế hoạch năm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (72,5% kế hoạch).

Chi phí vay nợ tiếp tục tăng, khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng từ 3% lên 4% trên thị trường sơ cấp (mức tăng mạnh nhất kể từ đại dịch), thu hẹp khoảng cách so với thị trường thứ cấp, với lợi suất ở mức 5,2% trong tháng 10.

Theo WB, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều lực cản mạnh. Sức cầu bên ngoài chững lại trong khi điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt gây ảnh hưởng đến tỷ giá. Lạm phát giá tăng và điều kiện huy động tài chính trong nước cũng bị thắt chặt có thể ảnh hưởng đến cầu trong nước trong vài tháng tới.

Do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến tiếp tục nâng lãi suất, cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá linh hoạt hơn nữa, bao gồm cho phép tỷ giá tham chiếu tăng nhanh hơn. Biện pháp này có thể được bổ sung bằng cách tiếp tục sử dụng lãi suất tham chiếu, đặc biệt nếu tỷ giá tăng nhanh dẫn đến tăng lạm phát và làm cho kỳ vọng lạm phát gia tăng.

“Do áp lực tỷ giá kéo dài, biện pháp bán ngoại tệ trực tiếp nên được áp dụng sáng suốt để bảo tồn dự trữ ngoại hối. Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ lúc này trở nên hết sức quan trọng để đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước tăng tốc” – WB khuyến nghị./.

Cùng chuyên mục
Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều lực cản