Toàn cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: HỒNG NHUNG |
Đề tài do ThS. Đỗ Thu Hằng và CN. Nguyễn Hoàng Chúng (KTNN chuyên ngành Ib) đồng Chủ nhiệm. Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - ông Trần Kim Lộc - làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Theo Ban Đề tài, quản lý nguồn nhân lực công là hoạt động quan trọng của nền hành chính nhà nước. Hiện nay, thế giới có 2 mô hình quản lý cơ bản: Mô hình quản lý theo ngạch, bậc (mô hình/chế độ công vụ chức nghiệp) và mô hình quản lý nguồn nhân lực theo vị trí việc làm - VTVL (mô hình/chế độ công vụ việc làm). Trong đó, mô hình quản lý nguồn nhân lực công theo VTVL được xem là xu thế phát triển của nền công vụ.
Tại Việt Nam, mô hình này bước đầu được áp dụng và được xem là giải pháp nhằm đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính. Thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, trong đó đề ra nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước, 100% các cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo VTVL.
Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: HỒNG NHUNG |
Việt Nam nói chung và KTNN nói riêng đang thực hiện chuyển đổi từ mô hình công vụ chức nghiệp lâu năm sang mô hình công vụ việc làm. Do đó, cần coi trọng quy trình, chất lượng, làm từng bước vững chắc, lộ trình phù hợp và có hướng dẫn khung, đề cương chi tiết để xác định VTVL ở nhiều cơ quan, địa phương mà tính chất, đặc điểm, yêu cầu công việc, mức độ phức tạp, quy mô công việc tương đương nhau để tránh tình trạng cùng một VTVL như nhau nhưng mỗi nơi xác định một cách khác nhau.
Hiện nay, KTNN chưa có đề tài nghiên cứu khoa học nào về vấn đề này. Vì vậy, việc nghiên cứu Đề tài “Quản lý công chức theo vị trí việc làm tại Kiểm toán nhà nước - những vấn đề đặt ra và giải pháp” là rất cần thiết.
Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương 1 - Những vấn đề tổng quan về VTVL và quản lý công chức theo VTVL; Chương 2 - Thực trạng quản lý công chức theo VTVL ở KTNN hiện nay. Kinh nghiệm quản lý công chức theo VTVL tại một số quốc gia; Chương 3 - Định hướng và giải pháp hoàn thiện công tác quản lý công chức theo VTVL tại KTNN.
TS. Nguyễn Lương Thuyết (người đứng)- Tổng Biên tập Báo Kiểm toán, Phản biện 1 góp ý cho Đề tài.Ảnh: HỒNG NHUNG |
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài được thực hiện công phu, nghiêm túc, khoa học, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn; là tài liệu tham khảo cho hoạt động nghiên cứu và đào tạo liên quan đến quản lý công chức theo VTVL.
Đề tài đã nêu được tổng quan các vấn đề cơ bản về VTVL và quản lý công chức theo VTVL; trình bày được thực trạng quản lý công chức theo VTVL, chỉ rõ các điểm đã làm được, các mặt còn hạn chế, nguyên nhân. Cùng với đó, Đề tài cũng trình bày một số kinh nghiệm về quản lý cán bộ theo VTVL của một số quốc gia trên thế giới để rút ra bài học cho Việt Nam, đưa ra một số định hướng và giải pháp hoàn thiện.
Để Đề tài hoàn thiện hơn, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số vấn đề sau: Cân nhắc kết cấu lại thành 2 chương; rà soát, biên tập gọn lại phần tổ chức bộ máy; xác định lại đối tượng nghiên cứu của Đề tài là các nội dung quản lý nhà nước công chức theo VTVL tại KTNN để đề xuất giải pháp quản lý; tập trung đánh giá thực trạng quản lý công chức tại KTNN theo 2 giai đoạn (trước và sau khi xây dựng Đề án VTVL) để chỉ rõ hoặc minh chứng cho kết quả, hạn chế và nguyên nhân.
Bên cạnh đó, Ban Đề tài cũng xem xét trình bày các giải pháp tương ứng với các mục về thực trạng quản lý công chức theo VTVL của KTNN hiện nay để đảm bảo tính liên thông trong nhận định, đánh giá và kiến nghị; bổ sung các điều kiện để thực hiện giải pháp hoặc các kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tăng cường, đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ chế quản lý công chức sang mô hình VTVL.
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Trần Kim Lộc lưu ý Ban Đề tài bổ sung nhóm giải pháp về sự hỗ trợ của công nghệ thông tin trong quản lý công chức theo VTVL. Ảnh: HỒNG NHUNG |
Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, ông Trần Kim Lộc đánh giá rất cao sự nỗ lực, trách nhiệm, nghiên cứu công phu của Ban Đề tài; đồng thời, đề nghị Ban Đề tài tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên trong Hội đồng, cân nhắc điều chỉnh, biên tập kết cấu từng mục, từng chương để đảm bảo tính khoa học và logic.
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cũng lưu ý Ban Đề tài trên cơ sở nghiên cứu quản lý công chức theo VTVL, kể cả việc xác định ngạch công chức theo VTVL, liên hệ với với những vấn đề đặt ra của KTNN; từ đó sâu chuỗi những vấn đề đặt ra kết hợp với việc dự báo được những thay đổi, những biến động về xu hướng quản lý nói chung và quản lý VTVL nói riêng để đưa ra giải pháp hoàn chỉnh.
Đặc biệt, Ban Đề tài cần nêu rõ những điều kiện đảm bảo tính khả thi của các giải pháp, lưu ý bổ sung nhóm giải pháp về sự hỗ trợ rất lớn của công nghệ thông tin trong quản lý công chức theo VTVL.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Xuất sắc!
HỒNG NHUNG