Ngăn “đầu cơ”, “thổi giá”, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh

(BKTO) - Mất cân đối cung - cầu, đầu cơ, thổi giá khiến giá nhà đất tăng cao, nhiều dự án vướng mắc, chậm tiến độ… là những bất cập, vướng mắc nổi cộm của thị trường bất động sản (BĐS). Từ những vấn đề được nhận diện qua giám sát, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật, quản lý chặt chẽ, khắc phục bất cập, phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

10a.jpg
ĐBQH đề xuất nhiều giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh. Ảnh: ST

Đầu cơ, thổi giá gây nhiễu loạn thị trường

Một trong những vấn đề đáng quan tâm trong Báo cáo giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” là hiện nay giá BĐS tăng vọt so với mức tăng thu nhập của đa số người dân. Tình trạng mất cân đối cung - cầu khi sản phẩm mở bán chủ yếu hướng tới phân khúc cao cấp và cho mục tiêu đầu tư tài chính, thiếu sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện không còn phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) nêu thực trạng, thời gian qua giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao, khiến cho thị trường BĐS vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Cử tri lo lắng trước các hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường. Theo đại biểu, trong bối cảnh thị trường BĐS chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều dự án BĐS, dự án nhà ở đang ách tắc, người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn mà giá nhà ở lại tăng đột biến và tăng ở các khu vực không có dự án mới là bất bình thường. Thông tin từ lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết, tình trạng “đầu cơ, thổi giá, đẩy giá” đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tăng cao như thời gian qua.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) phân tích, giá BĐS tăng cao có nguyên nhân do người mua nhà không chỉ để ở mà còn là một kênh tích lũy tài sản. Do tích lũy được tiền nên người dân sẽ dồn vào mua BĐS, tạo ra một vòng xoáy “giá càng tăng thì càng có nhiều người mua, càng nhiều người mua thì giá lại càng tăng”, đẩy đầu cơ BĐS tăng lên, dòng tiền sẽ hút vào lĩnh vực BĐS, không còn tiền chảy vào những lĩnh vực kinh doanh khác.

Theo các đại biểu, tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá đang dẫn tới nhiều hệ lụy, nhiều người dân cần nhà ở thực sự thì rất khó mua được, trong khi đó không ít người có tiền đang găm vào đất với hy vọng tìm kiếm lợi nhuận và doanh nghiệp càng khó khăn hơn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như chi phí sản xuất kinh doanh đang bị đội lên nhiều lần đi theo kết quả đấu giá đất.

Nhìn nhận vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy chỉ rõ, tại một số địa phương có tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, có dấu hiệu đầu cơ, thổi giá. Nguyên nhân là do quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được công khai, minh bạch. “Một số đối tượng tham gia đấu giá chủ yếu vì mục đích đầu cơ, không phải nhu cầu thực. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chủ động tạo quỹ đất để đấu giá; giá đất trong bảng giá đất chưa được điều chỉnh kịp thời” - Bộ trưởng cho biết.

Qua giám sát đã cho thấy thực trạng vướng mắc, khó khăn của các dự án BĐS và nhà ở xã hội. Với tinh thần không sợ khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhân dân và lợi ích của doanh nghiệp cũng như thực hiện phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư là khó đến đâu gỡ đến đó, không để tình trạng quy định Nhà nước còn không làm được thì doanh nghiệp làm sao có thể thực hiện được, đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương quyết liệt vào cuộc, rà soát từng dự án, đưa ra giải pháp xử lý cụ thể đối với từng dự án để chấm dứt tình trạng này.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa)

Ngăn “đầu cơ” bằng công cụ tài chính

Để khắc phục những bất cập trên, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương rà soát cơ chế, chính sách bảo đảm quyền tiếp cận các nguồn lực để triển khai thực hiện dự án BĐS, tạo điều kiện cho vay đối với các dự án BĐS đầy đủ pháp lý, có hiệu quả, đã hoàn thành thủ tục và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường. Đồng thời, sớm hoàn thiện công tác nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các Luật về thuế; trong đó có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.

10b.jpg
Cần sớm đưa giá BĐS về đúng giá trị thực của thị trường. Ảnh minh họa

Đồng tình với đề xuất trên nhằm đưa giá BĐS về đúng giá trị thực của thị trường, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nhấn mạnh việc thực hiện các giải pháp tài chính để góp phần ổn định thị trường BĐS. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần thực hiện ngay Điều 31 của Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có sự biến động giá bất thường; đồng thời, đưa hàng hóa BĐS của các doanh nghiệp bán ra lần đầu trên thị trường thứ cấp thuộc đối tượng phải kê khai giá. “Việc kiểm tra các yếu tố hình thành giá sẽ không chỉ phát hiện được sự bất thường của giá bán cao để bảo vệ người tiêu dùng, ổn định thị trường mà còn là cơ sở để thu thuế, điều tiết phần thu nhập tăng lên do giá cao bất thường. Đây là một giải pháp rất căn bản, hữu hiệu để chúng ta kiểm soát giá BĐS” - đại biểu Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Văn An (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu việc đánh thuế BĐS thứ hai trở lên cùng với các giải pháp đồng bộ để bình ổn giá nhà. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc của các dự án nhà ở hiện nay. "Qua nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, nếu như tháo gỡ được sẽ đưa vào thị trường thêm vài nghìn căn hộ, làm giảm giá BĐS hiện nay" - đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho hay.

Đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm với các dự án BĐS gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, bị đình trệ, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) nhất trí quan điểm không hợp thức hóa vi phạm. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần hướng dẫn rõ nội hàm “không hợp thức hóa các vi phạm” để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thực thi pháp luật. Theo đại biểu, việc sai phạm có thể do nhận thức, kể cả sai phạm của doanh nghiệp và có cả những thiếu sót của chính quyền. Do đó, sai phạm nào của doanh nghiệp thì phải xử lý nhanh, xử lý dứt điểm để doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh, những gì thiếu sót của chính quyền thì phải làm ngay để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động./.

Cùng chuyên mục
Ngăn “đầu cơ”, “thổi giá”, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh