(BKTO) - Thúc đẩy phát triển dịch vụ ngân hàng số là một trong những nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đây cũng là hoạt động được các nhà băng đẩy mạnh triển khai trong thời gian qua.




Chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích lớn cho các nhà băng. Ảnh: P.Tuân

Tập trung đầu tư công nghệ, nỗ lực chuyển đổi số

Các chuyên gia nhận định, phát triển dịch vụ ngân hàng số giúp nâng cao trải nghiệm cho khách hàng; gia tăng chất lượng vận hành, năng lực phục vụ; tạo ra nhiều sản phẩm - dịch vụ tiện ích; giảm thiểu chi phí... Đặc biệt, theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích lớn cho các nhà băng dù chi phí đầu tư công nghệ ban đầu khá tốn kém. Giả sử, việc đầu tư công nghệ làm tăng chi phí hoạt động khoảng 7% thì doanh thu, lợi ích của ngân hàng là gấp đôi, tăng khoảng 12 - 15%.

Thấy rõ được lợi ích trên, nhiều ngân hàng đã có những động thái quyết liệt nhằm nỗ lực chuyển đổi số. Ngày 12/8 vừa qua, BIDV đã tổ chức Lễ Phát động Chiến dịch chuyển đổi số nền khách hàng với chủ đề “BIDV Digi Up - Thay đổi để dẫn đầu”. Tại đây, đại diện BIDV cho biết, chuyển đổi số không chỉ giới hạn ở việc số hóa dữ liệu giao dịch mà còn tập trung nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Khách hàng phải là trung tâm của mọi quyết định chuyển đổi số. Hiện BIDV đang có nhiều tiềm năng để triển khai số hóa nền khách hàng với hơn 50% khách hàng cá nhân có độ tuổi từ 35 tuổi trở xuống. Ngân hàng này cũng đã kết nối với hầu hết các công ty fintech, gần 1.000 nhà cung cấp dịch vụ để đưa ra thị trường hơn 1.600 dịch vụ thanh toán chi tiêu cho khách hàng; đồng thời, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh chuyển đổi số trên mọi hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu trở thành “định chế tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có nền tảng số tốt nhất Việt Nam, phấn đấu thuộc nhóm 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á”.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking. Chỉ trong tuần đầu ra mắt VCB Digibank, đã có trên 60%, tương ứng với hàng triệu khách hàng hiện hữu chuyển đổi sang dịch vụ mới và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên từng ngày.

Cùng với 2 ngân hàng trên, hàng loạt các ngân hàng khác cũng đã tập trung đầu tư công nghệ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đang đẩy mạnh lượng khách hàng mới trên ứng dụng Mobile. Bên cạnh VietinBank, Ngân hàng TMCP Nam Á đã trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên ứng dụng công nghệ robot vào giao dịch nhằm tăng trải nghiệm của người dùng. Hay Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là nhà băng đầu tiên ứng dụng công nghệ sinh trắc học vân tay và nhận diện gương mặt tại các LiveBank. Đồng thời, TPBank cũng nâng cấp ứng dụng eBank X để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng...

Nắm bắt xu thế, tận dụng cơ hộiđể đẩy nhanh tốc độ số hóa

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do để ngân hàng nỗ lực thúc đẩy số hóa ở thời điểm này. Trên thế giới, hàng loạt công ty như: Google, Amazone, Facebook, Apple… đã tận dụng được cơ hội số hóa để phát triển. Song không ít thương hiệu lớn lại rơi vào suy thoái do chậm chạp hoặc thất bại trong quá trình chuyển đổi số như: Kodak, Nokia, Yahoo, Motorola… Từ thực tiễn này, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành BIDV - khẳng định, đây là minh chứng rõ nét cho yêu cầu bắt buộc phải tiến hành chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.

Mặt khác, theo kết quả khảo sát do các công ty thanh toán quốc tế công bố và đánh giá từ các ngân hàng gần đây, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen thanh toán do tác động của đại dịch Covid-19, vì vậy, việc chuyển đổi số của các nhà băng càng cần thiết hơn bao giờ hết. Đây là xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hơn nữa, trong thời đại công nghệ 4.0, để tránh bị tụt hậu, các ngân hàng không thể chần chừ trên đường đua này.

Cuộc đua công nghệ của các ngân hàng gần đây có thể còn nhằm đón đầu quy định mới sắp được NHNN ban hành để hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Trong đó, đáng lưu ý là quy định cho phép ngân hàng thương mại được quyết định gặp hoặc không gặp trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ (eKYC).

Đứng trước yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi số, trong Văn bản triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thúc đẩy phát triển dịch vụ ngân hàng số và khẩn trương mở rộng thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công, đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục. NHNN cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện Dự thảo Quyết định về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ trình Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox) và Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp với các nước ASEAN trao đổi, thảo luận và tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức tài chính quốc tế về dịch vụ ngân hàng số, tiền số…

Để hoàn thành các nhiệm vụ trên cũng như thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số trong tương lai, theo các chuyên gia, ngân hàng không chỉ tập trung đầu tư công nghệ mà còn phải chú trọng đến yếu tố con người, đổi mới tư duy, xây dựng văn hóa số. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế số hiện nay, những ngân hàng có tốc độ triển khai nhanh sẽ có lợi thế lâu dài trong cuộc đua số hóa.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Ngân hàng tăng tốc chuyển đổi số