Hợp tác xã nông nghiệp cần vốn nhưng rất khó vay

(BKTO) - Chiếm khoảng 70% tổng số hợp tác xã (HTX) cả nước song các HTX nông nghiệp lại có dư nợ tín dụng thấp hơn nhiều so với các HTX thuộc lĩnh vực khác. Nguyên nhân nhân nào khiến HTX nông nghiệp vẫn gặp khó trong tiếp cận tín dụng?

195009.jpg
Nhu cầu lớn, hợp tác xã nông nghiệp vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn vay. Ảnh ST

Chính sách ưu đãi vẫn "nằm trên giấy"

Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 1 tỉ đồng đối với HTX; tối đa 2 tỉ đồng đối với HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tối đa 3 tỉ đồng đối với liên hiệp HTX nuôi trồng thủy sản… Tuy nhiên, những ưu đãi dành cho HTX nông nghiệp trên địa bàn vẫn chỉ "nằm trên giấy".

“Đến nay, Nam Định chưa có HTX nào được vay vốn theo chính sách trên” - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định Trần Văn Phiệt cho biết.

Cụ thể, theo ông Phiệt, tính đến hết quý I/2024, cho vay HTX là 22,811 tỷ đồng trên tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,0225%), trong khi nhu cầu vay vốn thực tế hằng năm của các HTX lên tới hàng trăm tỷ đồng. 

Thực trạng trên cũng phản ánh bức tranh chung mà các HTX nông nghiệp trên cả nước đang phải đối mặt.

Tín dụng nông nghiệp xanh là xu hướng mới, tuy nhiên, hiện còn thiếu cơ chế thu hút đầu tư cho phát triển loại hình sản xuất xanh, nhất là cơ chế vay vốn tín dụng ưu đãi; đặc biệt là thiếu các quỹ hỗ trợ đầu tư, vay vốn tín dụng xanh

Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) Huỳnh Kim Định

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tín dụng cho nông nghiệp nông thôn còn một số hạn chế như: Việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của nông dân gặp nhiều khó khăn do yêu cầu tài sản thế chấp; thủ tục tiếp cận tín dụng còn phức tạp; tín dụng theo chuỗi nông nghiệp chưa được áp dụng phổ biến; khả năng xử lí rủi ro tín dụng thấp, chưa gắn với bảo hiểm nông nghiệp; nhiều quỹ tín dụng ưu đãi còn thiếu chức năng khuyến khích doanh nghiệp, HTX khi đầu tư vào sản xuất sạch... 

dsc_6114-1600x1200-.jpg
Nhiều HTX chưa thể vay vốn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP. Ảnh ST

Ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hưng Yên - cho biết, toàn tỉnh có 374 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Những năm qua, các cấp, ngành đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các HTX song các HTX vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu là do HTX thiếu tài sản thế chấp, hoạt động chưa bền vững.

“Trên 91% số HTX nông nghiệp không có trụ sở làm việc. Công tác quản trị của HTX còn yếu hoặc thiếu sự minh bạch, gây khó khăn trong quá trình thẩm định vay vốn” - ông Cường cho biết; đồng thời khẳng định đây là những nguyên nhân khiến đa số các HTX nông nghiệp không đủ điều kiện vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

Cần sự vào cuộc của các bên

HTX nông nghiệp chiếm gần 70% tổng số HTX. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn vốn cho các HTX nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng nhằm thúc đẩy mục tiêu đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX mà Đảng ta đã đặt ra. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải có sự nỗ lực vào cuộc trách nhiệm của nhiều bên, bao gồm cả bên đi vay, bên cho vay và các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo bà Huỳnh Kim Định - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NNPTNT, cần đẩy mạnh hỗ trợ HTX liên kết xây dựng, khai thác thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX liên kết tham gia vào chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; hỗ trợ xây dựng trang web; hỗ trợ xây dựng cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm...

Đặc biệt, Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi cao hơn những chính sách hiện nay để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đồng thời tham gia liên kết với HTX; tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - HTX - nông dân gắn với ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, để giải quyết trở ngại HTX thiếu tài sản đảm bảo, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu triển khai thí điểm mô hình cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua nông sản giữa doanh nghiệp với HTX (mô hình cho vay liên kết theo hợp đồng 3 bên giữa: Ngân hàng - doanh nghiệp đầu chuỗi liên kết thu mua nông sản - HTX, nông dân).

Dựa trên hợp đồng liên kết sản xuất - thu mua nông sản và xác nhận của doanh nghiệp đầu chuỗi, tổ chức tín dụng sẽ thanh toán các khoản đầu tư trực tiếp đến các đơn vị cung ứng vật tư tham gia liên kết (giống, phân bón…) và thanh toán trực tiếp tiền thu mua lúa của doanh nghiệp liên kết cho từng hộ nông dân. Mô hình này giúp các doanh nghiệp đầu chuỗi giảm áp lực vay vốn tín dụng để đầu tư đầu vào sản xuất và thu mua nông sản.

dsc_6218-1600x1200-.jpg
Cần tháo gỡ vướng mắc cho HTX trong tiếp cận vốn tín dụng... Ảnh: N.Lộc

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - đề nghị cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho vay HTX. Trong đó, cần sớm sửa đổi bổ sung các quy định Nghị định số 55/2015/NĐ-CP để tạo thuận lợi tăng cường tiếp cận tín dụng của HTX nông nghiệp; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng…

Theo Ông Đặng Văn Thanh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật HTX năm 2023 đã đưa ra các tiêu chí lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách hướng đến phát huy bản chất tốt đẹp của mô hình HTX; đồng thời ưu tiên hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể thành lập mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Đối với HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài các chính sách chung đã được hưởng như HTX trong các lĩnh vực khác thì được hưởng thêm chính sách hỗ trợ đặc thù riêng quy định tại Điều 28 của Luật. Điều này thể hiện sự quan tâm Đảng và Nhà nước đối với loại hình HTX, liên hiệp HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp” – ông Thanh cho biết.

Do đó, ông Thanh đề nghị sớm xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2023 đồng bộ và thống nhất với Luật HTX (hiệu lực từ ngày 01/7/2024). 

Từ góc độ địa phương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hưng Yên cho biết, để tạo điều kiện cho HTX được tiếp cận nhiều nguồn vốn, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, giám sát để các HTX ngày càng phát triển; tuyên truyền đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý của HTX, đặc biệt là công tác tài chính kế toán; hỗ trợ HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, có tính khả thi cao để thuyết phục ngân hàng và các tổ chức tín dụng../.

Cùng chuyên mục
Hợp tác xã nông nghiệp cần vốn nhưng rất khó vay