Ngân hàng tự xác định tỷ lệ khấu trừ đối với từng loại tài sản bảo đảm

(BKTO) - Theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự xác định tỷ lệ khấu trừ đối với từng loại tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá khả năng thu hồi khi xử lý tài sản bảo đảm đó…

trich-lap.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định Quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trường hợp TCTD phân bổ lãi phải thu phải thoái.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung để đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật các TCTD 2024 và xử lý được một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Xác định giá trị của tài sản bảo đảm để khấu trừ

Theo Dự thảo Nghị định, giá trị tài sản bảo đảm để tính khấu trừ khi trích lập dự phòng rủi ro được xác định gồm: Vàng miếng; chứng khoán đã niêm yết; cổ phiếu đã đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom; trái phiếu Chính phủ được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán; Trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu doanh nghiệp (kể cả TCTD) đã niêm yết, đăng ký giao dịch; chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi do doanh nghiệp phát hành; tài sản cho thuê tài chính.

Việc xác định giá trị của tài sản bảo đảm để khấu trừ khi tính số tiền dự phòng cụ thể đối với động sản, bất động sản và các loại tài sản bảo đảm khác, trừ tài sản quy định tại các khoản trên được thực hiện như sau:

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật để xác định giá trị tài sản bảo đảm được khấu trừ khi tính số tiền trích lập dự phòng cụ thể tại thời điểm cuối năm tài chính trong các trường hợp sau đây:

Tài sản bảo đảm mà TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài định giá để khấu trừ từ 50 tỷ đồng trở lên đối với khoản nợ của khách hàng là người có liên quan của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định tại Điều 135 Luật Các TCTD; tài sản bảo đảm mà TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài định giá để khấu trừ từ 200 tỷ đồng trở lên.

Kết quả định giá tài sản bảo đảm của tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng để xác định giá trị tài sản bảo đảm được khấu trừ khi tính số tiền trích lập dự phòng cụ thể.

Trường hợp tổ chức có chức năng thẩm định giá không đủ khả năng hoặc không có tổ chức có chức năng thẩm định giá định giá tài sản bảo đảm thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng kết quả định giá theo quy định nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trường hợp không có văn bản định giá tài sản bảo đảm của tổ chức có chức năng thẩm định giá và không xác định được giá trị tài sản bảo đảm theo quy định nội bộ thì giá trị tài sản bảo đảm để khấu trừ phải coi bằng 0 (không); trừ trường hợp quy định tại điểm a Khoản này, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định giá trị tài sản bảo đảm để khấu trừ khi tính số tiền trích lập dự phòng cụ thể theo quy định nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tỷ lệ khấu trừ của tài sản bảo đảm

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự xác định tỷ lệ khấu trừ đối với từng loại tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá khả năng thu hồi khi xử lý tài sản bảo đảm đó; tài sản bảo đảm có khả năng thanh khoản càng thấp, mức biến động giá càng lớn thì tỷ lệ khấu trừ tài sản bảo đảm càng thấp; tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với từng loại tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với tài sản bảo đảm theo hướng càng an toàn thì tỷ lệ càng cao. Cụ thể: Số dư tiền gửi (bao gồm cả tiết kiệm bắt buộc, tiền gửi tự nguyện đối với tổ chức tài chính vi mô), chứng chỉ tiền gửi của khách hàng bằng Đồng Việt Nam tại chính TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 100%;

Trái phiếu Chính phủ, vàng miếng theo quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; số dư tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi của khách hàng bằng ngoại tệ tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 95%;

Trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; công cụ chuyển nhượng, trái phiếu do chính TCTD phát hành; số dư tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành: Có thời hạn còn lại dưới 1 năm: 95%; Có thời hạn còn lại từ 1 năm đến 5 năm: 85%; Có thời hạn còn lại trên 5 năm: 80%.

Chứng khoán do các TCTD khác phát hành được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán: 70%;

Chứng khoán do doanh nghiệp (trừ TCTD) phát hành được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán: 65%;

Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, giấy tờ có giá, trừ các khoản quy định tại điểm c Khoản này, do TCTD khác có đăng ký niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán phát hành: 50%;

Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, giấy tờ có giá, trừ các khoản quy định tại điểm c Khoản này, do tổ chức tín dụng khác không có đăng ký niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán phát hành: 30%;

Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, giấy tờ có giá do doanh nghiệp có đăng ký niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán phát hành: 30%;

Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, giấy tờ có giá do doanh nghiệp không có đăng ký niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán phát hành: 10%;

Bất động sản: 50% và các loại tài sản bảo đảm khác: 30%.

Mức trích lập dự phòng chung

Đối với TCTD (trừ tổ chức tài chính vi mô), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, số tiền dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ được phân loại từ nợ nhóm 1 đến nợ nhóm 4, trừ các khoản sau đây:

Tiền gửi tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật và tiền gửi tại TCTD ở nước ngoài.

Khoản cho vay, mua có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Khoản mua chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước.

Khoản mua bán lại trái phiếu Chính phủ trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.

Đối với tổ chức tài chính vi mô, số tiền dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,5% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4, trừ tiền gửi tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật./.

Cùng chuyên mục
Ngân hàng tự xác định tỷ lệ khấu trừ đối với từng loại tài sản bảo đảm