Ngành công nghiệp bao bì đứng trước nhiều khó khăn

(BKTO) - Suy thoái kinh tế, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp (DN) trong ngành, thiếu thanh khoản hoặc tín dụng, vấn đề logistics và phân phối, biến động tỷ giá, thay đổi hành vi của người tiêu dùng, chi phí vận hành cao là 7 khó khăn hàng đầu mà ngành công nghiệp bao bì Việt Nam đang phải đối mặt…

a(1).jpg
Sản xuất bao bì là mắt xích quan trọng của nhiều chuỗi giá trị. Ảnh ST

Mắt xích quan trọng của nhiều chuỗi giá trị

Bao bì là mắt xích quan trọng của nhiều chuỗi giá trị, bao gồm đóng gói các sản phẩm ngành hàng tiêu dùng, y tế, xây dựng, vận tải, may mặc và ngày càng nhiều ngành công nghiệp khác.

Thế nhưng thị trường bao bì Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng rất lớn do sản xuất công nghiệp đình trệ, trong khi đó, sự cạnh tranh giữa các DN trong ngành càng gia tăng - ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report - nêu rõ.

Điều này một phần do cầu tiêu dùng hàng hóa giảm kéo theo lượng cầu bao bì giảm, cộng thêm áp lực giảm chi phí của các nhà sản xuất bao bì càng tăng cao để tạo lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.

Hơn nữa, hiện nay, năng lực sản xuất bao bì giấy phổ thông đã vượt quá nhu cầu trong nước, các DN chỉ đang hoạt động khoảng 60% công suất và sản lượng bao bì có thể tăng cao hơn trong một vài năm tới.

Sản lượng tiềm năng cao hơn nhiều sản lượng thực tế càng khiến các nhà sản xuất phải loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm bởi thị trường đã bão hòa.

Vì vậy, các chuyên gia được mời tham gia khảo sát của Vietnam Report trong tháng 8/2023 đã nhận định, ngành bao bì những tháng cuối năm khó có thể tăng trưởng bứt phá, nhưng kịch bản phục hồi nhẹ là có thể khi Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) có chiều hướng đi lên kể từ giữa quý II.

Từ phía các DN, nhằm thích ứng với tình hình kinh tế hiện tại, các DN bao bì xác định ưu tiên trong ngắn hạn là giải pháp mở rộng thị trường (66,7% số DN lựa chọn); đa dạng nhà cung cấp nguyên vật liệu (80,3% số DN lựa chọn).

1.jpg
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp bao bì tháng 08/2022 và tháng 08/2023

Về dài hạn, giải pháp trọng tâm được các DN ưu tiên là tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, biến động giá và chất lượng nguồn nguyên liệu (100% số DN lựa chọn). 

Ngoài ra, chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường ngày càng được các DN áp dụng nhiều hơn. Điều này cũng phù hợp với bối cảnh Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định đến tháng 01/2024, các DN bắt buộc phải thực hiện mô hình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Xuất khẩu bao bì có còn nhiều dư địa?

Dựa trên mức sản lượng bao bì tiềm năng, cùng 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP)… giúp sản phẩm bao bì của Việt Nam xuất khẩu đi các nước thành viên được hưởng thuế suất bằng hoặc gần bằng 0%.

Các chuyên gia nhận định, đây là cơ hội rất lớn để tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm bao bì Việt Nam trên thị trường quốc tế, trong khi rất ít các đối thủ cạnh tranh khác được hưởng mức thuế này.

Trong giai đoạn tháng 01/2022 đến hết tháng 06/2023, có 4 thị trường xuất khẩu bao bì lớn nhất của Việt Nam (xét theo giá thị thương mại của hai nhóm mã hàng bao bì nhựa và bao bì giấy thông dụng nhất), bao gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức; xếp theo sau đó là Anh, Hà Lan, Australia, Campuchia.

Trong giai đoạn này, Việt Nam đã xuất khẩu bao bì sang 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt giá trị trên 10 triệu USD. Riêng giá trị xuất khẩu sang 8 thị trường nêu trên đã chiếm 75,5% lượng xuất khẩu bao bì của Việt Nam.

Hầu hết các quốc gia có nhập khẩu bao bì từ Việt Nam đều nằm trong ít nhất một FTA mà Việt Nam đang là thành viên - ông Phùng Hoàng Cơ, Phó Chủ tịch HĐQT của Vietnam Report cho biết. Vì thế, thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng bao bì hầu hết về 0%, chỉ một phần nhỏ các mặt hàng vẫn chịu thuế nhưng đều không quá 5%.

Vị thế của bao bì Việt Nam trên trường quốc tế còn được nâng cao hơn nữa khi các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng đang dần hạ nhiệt, những khó khăn về chi phí nguyên vật liệu đầu vào được giảm bớt nhờ chi phí logistics giảm.

Ngoài ra, xu hướng sử dụng sang bao bì giấy được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, DN giấy phổ thông ngày càng nhiều cơ hội cho xuất khẩu các mặt hàng này.

Bên cạnh yếu tố ngoại sinh từ các FTA mang lại, các chuyên gia tham gia khảo sát đều nhấn mạnh, chính những yếu tố nội sinh như năng lực sản xuất, quản trị rủi ro vận hành, đặc biệt là quản trị rủi ro chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong việc tận dụng tiềm năng xuất khẩu và duy trì sự cạnh tranh của ngành sản xuất bao bì Việt Nam.

“Vì vậy, DN cần linh hoạt cung ứng các sản phẩm phù hợp với thị trường nước ngoài, ổn định sản xuất, tận dụng lợi thế từ các FTA trong việc đưa sản phẩm bao bì tới nhiều thị trường khó tính” - các chuyên gia khuyến nghị.

3 giải pháp doanh nghiệp bao bì mong đợi từ Chính phủ

Kết quả khảo sát DN và chuyên gia ngành bao bì của Vietnam Report đã chỉ ra 3 giải pháp quan trọng mà Chính phủ có thể hỗ trợ cho các DN, gồm: cải thiện cơ sở hạ tầng, chú trọng cơ sở hạ tầng logistics; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm trong ngành, đặc biệt về thu gom và tái chế bao bì.

bb.jpg
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp bao bì tháng 08/2022 và tháng 08/2023

Bởi nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bao bì tại Việt Nam hiện nay phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu và tỷ lệ sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 30%. Cùng với đó, các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng logistics luôn được các DN đặc biệt quan tâm.

Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng hay biến động tiêu cực của thị trường quốc tế đều ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất của DN ngành bao bì. Vì thế, hỗ trợ của Chính phủ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng logistics đóng vai trò quan trọng và cần thiết, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển hiệu quả và kịp thời.

Ngoài ra, việc giảm thuế nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ giúp ngành bao bì Việt Nam giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy đầu tư, khuyến khích sáng tạo, cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng cơ hội xuất khẩu và hỗ trợ sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường. Giải pháp này cũng đồng thuận với cam kết của Việt Nam trong các FTA là gỡ bỏ dần hàng rào thuế quan, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế.

Còn việc xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm bao bì, đặc biệt là liên quan đến thu gom và tái chế bao bì, giúp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các tiêu chuẩn này không chỉ giúp giảm lượng rác thải và khuyến khích sử dụng lại tài nguyên mà còn tạo điều kiện cạnh tranh công bằng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu./.

Cùng chuyên mục
Ngành công nghiệp bao bì đứng trước nhiều khó khăn