Ngành hải quan tiếp tục kết nối, chia sẻ và đồng hành với doanh nghiệp

(BKTO) - Cơ quan hải quan cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa các quy trình nghiệp vụ, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương qua biên giới, vì sự phát triển của DN và đất nước. Đây là yêu cầu của các nhà quản lý và cũng là tâm tư mà cộng đồng DN muốn gửi gắm tại Tọa đàm: “Hải quan - Doanh nghiệp: Kết nối - Chia sẻ - Đồng hành” do Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa tổ chức, tại Hà Nội.



Đổi mới hoạt động đối tácvới doanh nghiệp

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành hải quan đã thực hiện kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan thông qua việc áp dụng hệ thống công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ chuyên môn. Đặc biệt, cơ quan hải quan các cấp đã áp dụng hệ thống kiểm soát công vụ và quy chế giám sát cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.

Để xây dựng hoạt động đối tác thường xuyên với DN, cơ quan hải quan đã ký thỏa thuận hợp tác với 232 DN; ký 1.701 văn bản cam kết với DN trong hỗ trợ, giám sát thực thi pháp luật; 52 văn bản thỏa thuận hợp tác với hiệp hội DN. Riêng năm 2017, cơ quan hải quan đã tổ chức 53 hội nghị DN, 89 cuộc đối thoại định kỳ với người khai hải quan, người nộp thuế về nhiều chủ đề thời sự, được cộng đồng DN quan tâm.
Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng đánh giá, trong những năm gần đây, các hoạt động đối tác với DN đã có sự đổi mới về cách làm, đi vào chiều sâu, thiết thực. Cụ thể, cơ quan hải quan đã tích cực thiết lập các kênh kết nối với cộng đồng DN như: lập đường dây nóng, hòm thư góp ý tại cơ sở, tổ chức bộ phận tiếp dân và các hội nghị với DN theo chuyên đề thời sự mà DN quan tâm, qua đó thu hút DN tham gia giải quyết kịp thời các vướng mắc.

Quang cảnh Tọa đàm: “Hải quan - Doanh nghiệp: Kết nối - Chia sẻ - Đồng hành” - Ảnh: Minh Anh

Tinh thần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính của ngành hải quan không chỉ được các nhà quản lý ghi nhận mà còn được cộng đồng DN đánh giá cao. Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - nhận định: Việc đưa hàng gia công, sản xuất xuất khẩu vào danh mục trong quy định mới, đặc biệt là đưa một chương về việc nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu được miễn thuế vào Luật Thuế xuất nhập khẩu cho thấy cơ quan hải quan đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của DN.

Nhìn một cách tổng thể, ông Đào Huy Giám - Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam - cho rằng, ngành hải quan đã có bước thay đổi toàn diện khi không ngừng cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng thiết bị hiện đại phục vụ việc kiểm tra, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, ứng dụng khai hải quan điện tử, cho phép DN có thể khai hải quan mọi nơi, mọi lúc…

Quản lý rủi ro có trọng điểm để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Cùng với việc ghi nhận những nỗ lực cải cách của ngành hải quan, đại diện các DN, hiệp hội cũng thẳng thắn nêu lên các kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhằm tiếp tục hỗ trợ hơn nữa cho cộng đồng DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Đào Huy Giám, cơ quan hải quan cần tiếp tục cải cách chương trình DN ưu tiên về hải quan để ngày càng có nhiều DN được tham gia; phát triển hệ thống đại lý hải quan nhằm hỗ trợ đắc lực cho hoạt động khai báo, thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa của DN xuất nhập khẩu và cùng với các Bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc cho DN về thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, cơ quan hải quan có thể thiết lập cơ chế trao đổi thường xuyên với các hiệp hội DN theo định kỳ để kịp thời xử lý những yêu cầu phát sinh từ thực tiễn…

Ghi nhận ý kiến từ các DN, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cam kết, cơ quan hải quan sẽ cải cách, tạo thuận lợi hơn nữa cho DN theo tinh thần Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Quan điểm chỉ đạo của ngành hải quan là quản lý rủi ro, có trọng tâm, trọng điểm bằng các phương tiện, biện pháp nghiệp vụ để tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng, chống việc kinh doanh, buôn bán bất hợp pháp và tham nhũng, tiêu cực trong ngành.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, ông Nguyễn Văn Cẩn cũng đề nghị cộng đồng DN đồng hành với cơ quan hải quan trong việc tuân thủ tốt chính sách của Nhà nước liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Khi phát hiện có biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức hải quan trong thực thi công vụ, DN có thể phản ánh qua các kênh thông tin và đường dây nóng của ngành hải quan để cơ quan chức năng xem xét, xử lý kịp thời...
         
Để tiếp tục kết nối, chia sẻ, đồng hành với DN, thời gian tới, cơ quan hải quan sẽ thực hiện 6 giải pháp. Đó là: tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN và các cơ quan hữu quan để hoàn thiện và đưa vào thực hiện các văn bản pháp luật, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại; xây dựng và ban hành các quy trình nghiệp vụ theo hướng minh bạch, cụ thể hóa trách nhiệm của công chức hải quan; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy, luân chuyển cán bộ hợp lý, đảm bảo tính thông suốt, đẩy nhanh thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ và thông quan hàng hóa; tiếp tục kiến nghị và phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành; thay đổi từ tư duy cơ quan hải quan là người quản lý còn DN là người bị quản lý sang tư duy hải quan và DN hợp tác; tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi quản lý nhà nước về hải quan.
MINH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 28-6-2018
Cùng chuyên mục
  • MIST hỗ trợ 10 công ty du lịch sáng tạo
    5 năm trước Đầu tư
    Năm 2018, 10 công ty du lịch và dịch vụ du lịch sáng tạo sẽ được nhận hỗ trợ từ Chương trình Sáng kiến hỗ trợ khởi nghiệp du lịch vùng Mê Kông (MIST).
  • “Bong bóng” bất động sản có quay trở lại?
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong thời gian qua, việc giá bất động sản (BĐS) tăng mạnh cùng với những quan ngại về chu kỳ 10 năm lặp lại khủng hoảng của thị trường BĐS đã gây ra những ý kiến trái chiều về việc liệu “bong bóng” BĐS có quay trở lại.
  • BSR chú trọng tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo thư mời đã được gửi tới các cổ đông, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất - sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất vào ngày 21/6/2018, tại Quảng Ngãi. Những kết quả sản xuất kinh doanh khả quan đang giúp cho BSR rất tự tin trước các cổ đông.
  • Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Với những mục tiêu cụ thể, Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý hạ tầng thương mại đang được Bộ Công Thương xây dựng, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan để hoàn thiện và trình Chính phủ.
  • Giảm chi phí thương mại để tăng năng lực cạnh tranh
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho thấy, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để giảm chi phí thương mại thông qua hợp lý hóa các biện pháp phi thuế quan hoặc kiểm tra chuyên ngành, nâng cao hiệu quả quản lý cửa khẩu và dịch vụ hậu cần. Đó là những ưu tiên cải cách để tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngành hải quan tiếp tục kết nối, chia sẻ và đồng hành với doanh nghiệp