Ngành ngân hàng cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ vốn cho sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ lúa gạo

(BKTO)- Đây là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), do tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương và NHNN tổ chức sáng 26/2.



Dư nợ cho vay ngành lúa gạo đạt 100 nghìn tỷ đồng

Thông tin về Hội nghị này, NHNN cho biết, với những nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng, thời gian qua, đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng như lúa gạo đã có sự tăng trưởng rõ rệt, đảm bảo đáp ứng kịp thời vốn cho người dân, DN sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 12/2018 dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn quốc tăng khoảng 21,4% so với cuối năm 2017; đến cuối tháng 01/2019 dư nợ tăng 1% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn đối với khu vực ĐBSCL đến cuối tháng 12/2018 chiếm 17,24% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc; cuối tháng 01/2019 tăng khoảng 0,3% so với cuối năm 2018.
                
   

Quang cảnh Hội nghị-Ảnh: sbv.gov.vn

   
Riêng đối với ngành lúa gạo, năm 2018 có dư nợ đạt khoảng 99.000 tỷ đồng, tăng 29.789 tỷ đồng so với cuối năm 2017; đến cuối tháng 01/2019, dư nợ đạt khoảng 100.000 tỷ đồng (trong đó ĐBSCL đạt 50.000 tỷ, chiếm khoảng 50%), tăng 0,8% so với cuối năm 2018.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về vốn cho nông nghiệp nông thôn, trong đó có ngành sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, ngành Ngân hàng cũng luôn chủ động, kịp thời có những giải pháp hỗ trợ bà con nông dân khi gặp khó do thiên tai và khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp.

Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán 2019 đến nay, trước diễn biến không thuận lợi của thị trường xuất khẩu lúa gạo, triển khai Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, NHNN đã chủ động ban hành văn bản số 928/NHNN-TD ngày 18/2/2019 chỉ đạo các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để DN thu mua thóc, gạo cho nông dân.

Đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nhu cầu của người dân, DN

Tham dự và đồng chủ trì Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, Ngành ngân hàng cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của người dân, DN trong quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo với lãi suất, thời hạn, chu kỳ cho vay phù hợp. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng góp phần tạo môi trường vĩ mô ổn định (như tỷ giá, lãi suất ổn định) tạo thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh, tiêu thụ lúa gạo.

Theo đó, về lãi suất, ngay từ đầu năm, các ngân hàng thương mại nhà nước đã cam kết giảm 0,5% lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên ngay, thể hiện sự quyết liệt và đồng hành của ngân hàng trong việc chia sẻ khó khăn với DN, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và góp phần cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN cũng cam kết điều hành giữ lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đề ra (khoảng 4%).

Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay khi thị trường có nhiều biến động, ngành Ngân hàng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về đảm bảo cung ứng đủ vốn cho DN thu mua, tạm trữ, xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo; tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân sản xuất, kinh doanh thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý.

NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động tiếp cận các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN, qua đó hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN; trong đó xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục xem xét cho vay mới để tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN lúa gạo; xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các DN để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua lúa gạo cho người nông dân trong vụ Đông Xuân năm nay nhằm giúp giá lúa gạo không bị giảm sâu, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa;

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng; cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay cho người dân, DN. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo.

Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo như chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 18/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho người dân, DN.

Tại Hội nghị, các Ngân hàng thương mại như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cũng cam kết cân đối đủ nguồn vốn cho sản xuất, thu mua, tiêu thụ lúa gạo, với lãi suất 6%/năm.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt 20 triệu giờ công an toàn
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tính đến ngày 25/02/2019, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã đạt được mốc 20 triệu giờ công an toàn (tính từ ngày 02/6/2014), trong đó nhân sự Công ty BSR đóng góp khoảng 65%, nhà thầu 35%.
  • Phát hiện vụ việc vi phạm điển hình trên môi trường thương mại điện tử
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa cho biết, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã nhận toàn bộ hồ sơ bàn giao từ Đội Quản lý thị trường số 6 để ra quyết định xử phạt đối với 01 vụ việc vi phạm điển hình trên môi trường thương mại điện tử.
  • Khắc phục “thẻ vàng”,  đưa hải sản Việt vươn ra thế giới
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, việc khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) trong vấn đề chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU) đã được thực hiện một cách đồng bộ từ T.Ư tới địa phương, được EC ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc triển khai các giải pháp khắc phục vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu quyết liệt.
  • Nâng “chất” thu hút đầu tư nước ngoài
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Không ai có thể phủ nhận, kết quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là minh chứng về thành tựu đổi mới và hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, trước một số bất cập, hạn chế phát sinh từ thực tế, việc định hướng cũng như hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút FDI cho phù hợp với tình hình mới đang trở thành yêu cầu cấp thiết.
  • Đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của thế giới
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức ngày 22/2 tại Hà Nội.
Ngành ngân hàng cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ vốn cho sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ lúa gạo