Đây là lần thứ 4 liên tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết, triển khai kế hoạch năm tới của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
3 thành tựu, kết quả nổi bật của ngành
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn, đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung của cả nước trong năm 2024.
Cơ bản đồng tình với những kết quả mà các báo cáo, ý kiến đã chỉ ra, Thủ tướng nhấn mạnh thêm 3 thành tựu, kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thứ nhất, việc phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, đặc biệt là việc tham mưu, tổ chức, thực hiện điều tiết, vận hành, bảo đảm an toàn hồ đập như hồ thủy điện Thác Bà, Hòa Bình; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, không để ai bị đói rét, thiếu nhà ở, học sinh thiếu trường lớp; nhanh chóng khôi phục sản xuất sau bão.
Thứ hai, ngành đã khẳng định tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", trước những khó khăn do đứt gãy thị trường, thiên tai, bão lụt...
Thứ ba, ngành đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...
Cũng theo Thủ tướng, ngành nông nghiệp đã bảo đảm lương thực thực phẩm, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém mà ngành cần tập trung khắc phục trong thời gian tới và bài học kinh nghiệm.
Cũng theo Thủ tướng, muốn phát triển các mặt hàng, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế thì cần tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, làm sao để khi nói đến cà phê, tiêu, điều... là nói tới Việt Nam. Cùng với đó, phải có quy hoạch vùng nguyên liệu; phát triển thị trường; xây dựng chỉ dẫn địa lý, mẫu mã; huy động nguồn vốn ngân hàng; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,5-4%
Theo Thủ tướng, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá về đích của cả nhiệm kỳ 2021-2025, năm sẽ diễn ra Đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Do đó, ngành phải tăng tốc, bứt phá, cùng cả nước thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong đó mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất trên 8% và phấn đấu đạt 2 con số trong năm 2025.
Về các chỉ tiêu chủ yếu năm 2025, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,5-4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản phấn đấu đạt 70 tỷ USD; tỉ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trên 60%; tỉ lệ che phủ rừng 42,02%...
Về tư tưởng chỉ đạo, Thủ tướng trước hết yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để phát triển ngành nhanh, bền vững.
Hai là, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm…
Ba là, góp phần đắc lực, hiệu quả vào ứng phó với biến đổi khí hậu tại các địa bàn trọng điểm, nhất là sụt lún, sạt lở, khô hạn, ngập úng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), miền núi phía bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Bốn là, người nông dân phải được ấm no, hanh phúc hơn, nông thôn hiện đại hơn, nông nghiệp phải tiên tiến hơn. Người nông dân là trung tâm, là chủ thể, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng.
9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
Về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai kế hoạch phát triển ngành năm 2025; đồng thời tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp và sắp xếp kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy.
Thủ tướng lưu ý, bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, hạn chế tối đa giao thoa, không trùng chéo, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn, toàn diện hơn; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường giám sát, kiểm tra; bỏ khâu trung gian, tránh phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp; bảo đảm công khai, minh bạch, đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảm bảo bộ máy sau khi sắp xếp thật sự tinh, gọn, mạnh, hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Thứ hai, tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, làm bài bản nhưng phải khẩn trương, coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng thời điểm, tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn cho phát triển, huy động hiệu quả nguồn lực với tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân".
Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP; tích cực triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
Tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển bền vững dựa trên tiềm năng và lợi thế so sánh, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển các sản phẩm có chất lượng, lợi thế; phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Tăng cường liên kết 5 nhà: Nhà nông - Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng - nhà khoa học; tham gia hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.
Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chủ động triển khai có hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xây dựng cơ sở dữ liệu của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam để phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ năm, phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng. Nhanh chóng đàm phán, ký kết và tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới.
Thứ sáu, phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững. Tập trung giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ "Thẻ vàng" trong năm 2025, ngăn chặn và xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Thứ bảy, phát triển bền vững lâm nghiệp. Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, lâm sản ngoài gỗ. Cùng với các cơ quan liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách nhằm phát huy giá trị đa dụng của rừng, nhất là dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính của rừng.
Thứ tám, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát; phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn. Xây dựng nông thôn mới phải đi đôi với tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn, tạo điều kiện nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá của từng vùng miền. Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, không để bị động, bất ngờ.
Thứ chín, đẩy mạnh ngoại giao nông nghiệp; hội nhập, hợp tác quốc tế để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời chủ động đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, bảo vệ hàng hóa nông sản Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu trong quý I/2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan phải trình Chính phủ hai đề án về ứng phó với biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở tại ĐBSCL và ứng phó sạt lở tại miền núi phía bắc./.