Thưa Bộ trưởng, trong một năm mà nền kinh tế cán đích thành công như năm 2017, công tác điều hành tài chính - ngân sách thường đóng một vai trò rất quan trọng. Rất mong Bộ trưởng chia sẻ về một số dấu ấn đặc biệt mà Ngành đã đạt được trong năm qua?
- Có thể nói, năm 2017 tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương, cộng đồng DN và nhân dân cả nước cùng với quyết tâm của cán bộ nhân viên trong toàn ngành, ngành tài chính đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN của năm, góp phần quan trọng trong thắng lợi chung của các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với nhiều dấu ấn đáng chú ý. Đó là:
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển DN, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Năm 2017, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 220 văn bản pháp luật, bao gồm: Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); 63 nghị định của Chính phủ, 11 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 11 đề án khác.
Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính và quản lý nợ công. Năm 2017, thị trường chứng khoán đã có bước phát triển tốt, quy mô vốn hóa đạt khoảng 70% GDP, tăng 80,5% so với cuối năm 2016. Thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, vững chắc, đáp ứng các cam kết hội nhập quốc tế, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 21,2%; tổng giá trị tài sản tăng 23,4%; chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng gần 15%.
Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành các văn bản về CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN; trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, cho chính quyền địa phương vay lại vốn vay ngoài nước; phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn 2016-2018.
Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát. Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc quản lý, điều hành giá cả các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, giá dịch vụ công. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá, qua đó đã tác động tích cực đến giá cả thị trường; chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2017 tăng 3,53%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,41% so với năm 2016.
Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách được đẩy mạnh. Toàn ngành đã thực hiện 99.204 cuộc thanh tra; kiểm tra gần 900 nghìn hồ sơ khai thuế; kiến nghị xử lý về tài chính gần 55 nghìn tỷ đồng, giảm trừ dự toán kinh phí, giảm trừ cấp phát kinh phí 72 tỷ đồng; giảm trừ thanh quyết toán, không thanh toán kinh phí 92,8 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 1,4 nghìn tỷ đồng; giảm lỗ trên 33 nghìn tỷ đồng...
Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 13,8 nghìn vụ buôn lậu và gian lận thương mại, thu nộp NSNN khoảng 327 tỷ đồng, cơ quan hải quan đã khởi tố 44 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 48 vụ.
Với nhiều dấu ấn tích cực trong năm 2017 như vậy, Bộ trưởng còn điều gì băn khoăn về công tác quản lý và điều hành tài chính - ngân sách, đặc biệt là những khó khăn mà Ngành có thể gặp phải trong năm 2018?
- Mặc dù năm 2017 ngành tài chính đã thu ngân sách vượt dự toán, nhưng số vượt thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, phí và lệ phí. Thu từ khu vực FDI và khu vực ngoài quốc doanh tuy có mức tăng trưởng khá so với năm 2016 nhưng vẫn không đạt dự toán (do dự toán cao). Thu NSTƯ vẫn còn nhiều thách thức, vai trò chủ đạo của NSTƯ còn hạn chế, một số địa phương thu đạt thấp và khó khăn trong cân đối ngân sách địa phương (NSĐP).
Hiện nay, dư địa chính sách tài khóa của đất nước còn hạn hẹp trong khi nhu cầu chi đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh lớn; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; khả năng thích ứng của DN trước những tác động bên ngoài còn hạn chế, đồng thời Việt Nam còn phải chịu áp lực trong việc đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN, nợ công, giảm bội chi để giảm nợ công.
Thực tế thì như vậy nhưng công tác quản lý thu ở một số địa bàn, lĩnh vực lại chưa quyết liệt, các hiện tượng chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn, định mức vẫn còn xảy ra; việc CPH, thoái vốn nhà nước còn chậm; việc đổi mới cơ chế quản lý, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới quản lý và tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công chưa triển khai quyết liệt.
Năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch tài chính trung hạn 2018-2020 nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính phủ tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đối với ngành tài chính, nhiệm vụ của năm 2018 và các năm còn lại của kế hoạch 2016-2020 sẽ rất nặng nề.
Trước nhiều nhiệm vụ nặng nề như vậy, ngành tài chính sẽ tập trung ưu tiên những vấn đề gì trong năm 2018, thưa Bộ trưởng?
- Với tinh thần quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2018, ngành tài chính rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, phấn đấu thu NSNN vượt khoảng 3% dự toán, giữ bội chi NSNN không quá 3,7% GDP, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý nợ công an toàn, bền vững. Để đạt được các mục tiêu này, Bộ Tài chính sẽ cùng các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, về thu NSNN, các Bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng làm nền tảng để tăng thu nội địa. Đối với các thành phố lớn đã được giao cơ chế tài chính đặc thù, việc thực hiện cần được triển khai nghiêm túc để nhanh chóng phát triển các địa bàn này thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tăng cường quản lý, hoàn thiện chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thu, hạn chế tối đa các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tạo chuyển biến rõ nét trong chống thất thu thông qua triển khai hoá đơn điện tử. Xử lý và ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; quản lý chặt chẽ việc xác định giá tính thuế; phát hiện, ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế; tăng cường thu từ khu vực kinh tế phi chính thức. Đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội về việc hoàn thiện chính sách thu, cơ cấu lại thu NSNN, đảm bảo hiệu quả bền vững theo các mục tiêu đề ra.
Thứ hai, về chi NSNN, cần khẩn trương phân bổ ngay và hết dự toán từ đầu năm theo đúng thứ tự ưu tiên, đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý NSNN. Tiết kiệm các khoản chi thường xuyên gắn với việc thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo các văn bản pháp luật về cơ chế giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công, trên cơ sở dự toán NSNN được giao, các Bộ, ngành T.Ư tự cân đối, bố trí nguồn tăng lương năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương ngân sách, chủ động điều hành NSNN chặt chẽ. Với trường hợp thu NSĐP khó khăn, phải chủ động sắp xếp lại các khoản chi, sử dụng nguồn dự phòng, dự trữ tài chính, các nguồn tài chính khác để đảm bảo cân đối ngân sách trong phạm vi dự toán Quốc hội đã quyết định. Khẩn trương tổ chức lại và đổi mới cơ chế quản lý các quỹ ngoài ngân sách.
Thứ ba, về cân đối ngân sách và vay nợ công, đề nghị thực hiện chi tiêu trong khả năng cân đối của NSNN và dự toán được giao, các địa phương chỉ vay trong phạm vi dự toán, phù hợp khả năng trả nợ trong giới hạn quy định. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay, tạo chuyển biến căn bản trong quản lý và sử dụng nợ công.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!