Gỡ vướng về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây

(BKTO) - Nhất trí về sự cần thiết đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) song các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có quy định nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Dự án.

Sáng 17/6, tiếp tục chương trình Đợt 2, Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

170620240857-z5545781752201_05f703dff2a53cbcbe33c3d039432a89.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Quan tâm đến vấn đề khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An) chỉ rõ, nội dung này đã được quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về Thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai quy định này cho thấy, còn nhiều vướng mắc về trình tự, thủ tục liên quan đến việc cấp phép các mỏ cát, mỏ đất làm vật liệu san lấp phục vụ thi công đường cao tốc.

Đại biểu cho rằng, quy định nội dung khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như Dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án sẽ tiếp tục gặp 6 vướng mắc.

Thứ nhất, liên quan đến quy hoạch, khoản 1 Điều 4 Luật Khoáng sản quy định khai thác khoáng sản phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản, nhưng trên thực tế, một số mỏ vật liệu thuộc hồ sơ khảo sát lại không nằm trong quy hoạch khoáng sản.

170620240816-z5545876061723_ddb898d4115ff963edc362b49224a912.jpg
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Thứ hai, về thủ tục hành chính, Dự thảo Nghị quyết đã quy định cơ chế đặc thù không phải cấp giấy phép khai thác khoáng sản, không phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị quyết chưa tính đến các thủ tục hành chính khác vẫn phải làm như: cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường.

“Như vậy, nếu Dự thảo Nghị quyết không quy quy định cơ chế đặc thù cho phép miễn những thủ tục này, cả nhà thầu thi công và cơ quan quản lý nhà nước nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với rủi ro pháp lý sau này” - đại biểu Nguyễn Tuấn Anh lưu ý.

Vướng mắc thứ ba được đại biểu chỉ ra là Dự thảo Nghị quyết chưa có cơ chế đặc thù cho phép được miễn thủ tục điều chỉnh giấy phép khai thác đối với các mỏ đang hoạt động được phép nâng công suất khai thác để phục vụ dự án. Nếu phải thực hiện điều chỉnh giấy phép khai thác sẽ mất rất nhiều thời gian dẫn đến không đáp ứng được tiến độ, khối lượng vật liệu phục vụ cho dự án.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, việc xử lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng dư thừa là cần thiết, nhưng chưa đầy đủ trong thực tế; chưa có quy định xử lý trường hợp đào đắp, san nền có đất, đá, cát dư thừa dự án không có nhu cầu sử dụng, nhưng Dự thảo Nghị quyết không quy định để xử lý trường hợp này.

Ngoài ra, theo đại biểu, Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành cũng có thể gặp tình trạng chồng lấn tuyến đường lên quy hoạch khoáng sản. Nếu điều chỉnh quy hoạch khoáng sản theo trình tự thủ tục của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch sẽ mất rất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, về phát hiện khoáng sản khi thi công cần được giải quyết thế nào? Bởi nếu thực hiện theo quy định hiện hành sẽ mất rất nhiều thời gian để cơ quan có thẩm quyền quyết định việc thăm dò, khai thác, thu hồi khoáng sản.

“6 vướng mắc nêu trên chắc chắn sẽ gây khó khăn ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành”- đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh và kiến nghị cần sửa đổi bổ sung một số cơ chế chính sách đặc biệt tại Điều 3 Dự thảo Nghị quyết. Trong đó, cần quy định rõ nguyên tắc việc khai thác khoáng sản phục vụ cho dự án, thu hồi khoáng sản khi thi công dự án không bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản, quy hoạch tỉnh đối với các mỏ vật liệu thuộc hồ sơ khảo sát.

Đối với khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dư thừa trong quá trình thi công tuyến đường, đề nghị Dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng  cho phép nhà thầu thi công cung cấp cho các công trình khác kèm theo các nghĩa vụ tài chính.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh

Đại biểu cũng đề nghị cần giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh các quy hoạch khu vực có liên quan để đảm bảo tiến độ thiết kế của dự án. Khi thi công trên đường nếu phát hiện khoáng sản cần phân biệt thành hai loại: Một là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; hai là khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để có cách tiếp cận, xử lý phù hợp với từng loại khoáng sản…

170620240837-z5545842160388_3d80c9cf7afbd98ab90609e72351c4ff.jpg
Đai biểu Nguyễn Trường Giang phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Để giải quyết vấn đề chồng lấn quy hoạch khoáng sản với dự án, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) kiến nghị, đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đối với các diện tích nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ dự án trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực thì được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Theo đó, đối với khu vực chưa có giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản thì nhà thầu thi công dự án được lựa chọn để khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án, không phải thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản và không phải thực hiện các thủ tục về cấp phép, thăm dò khoáng sản, giấy phép khoáng sản và thủ tục thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường.

Nhà thầu thi công phải lập bản đăng ký và kế hoạch khai thác, nội dung bảo vệ môi trường, giao UBND tỉnh Bình Phước và UBND tỉnh Đắk Nông có trách nhiệm xác nhận kế hoạch khai thác, nội dung bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Đối với khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, còn thời hạn khai thác thì được phép tiếp tục khai thác để phục vụ dự án và không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản điều chỉnh, thực hiện các thủ tục về thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản khi nâng công suất. “Việc khai thác khoáng sản để phục vụ triển khai dự án như trên là không bắt buộc phải phù hợp quy hoạch khoáng sản” - đại biểu Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) lưu ý, đối với các mỏ vật liệu hiện nay Nhà nước không quản lý mà người dân quản lý và thuộc sở hữu của người dân. Vì vậy, mặc dù giao cho nhà đầu tư, giao cho chủ dự án để khai thác xong họ cũng phải thỏa thuận với người dân. Thực tế cho thấy, đây là vấn đề rất khó khăn, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cần quan tâm, có giải pháp xử lý quyết liệt, tránh ảnh hưởng đến tiến độ san lấp dự án./.

Cùng chuyên mục
  • Tăng cường hợp tác thương mại nông sản, thủy sản với Liên bang Nga
    5 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Hợp tác giữa Việt Nam - Liên bang Nga trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua diễn ra khá tốt, kim ngạch thương mại nông sản đã tăng gấp 2 lần trong 5 năm qua, hiện vào khoảng 1 tỷ USD/năm.
  • Nông nghiệp ngược dòng chung, đạt kết quả giải ngân cao
    5 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong khi nhiều Bộ, ngành giảm điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) lại tăng điểm mạnh ở kết quả giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm, với tỷ lệ chung đạt 41,8% so với kế hoạch năm 2024. Dù vậy, lãnh đạo Bộ NNPTNT và các đơn vị cũng tỏ ra thận trọng trước những thách thức trong thực hiện kế hoạch giải ngân vốn.
  • Khai thác phải gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững
    5 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, song việc bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề khai thác bất hợp pháp, sự suy giảm nguồn lợi thủy sản do tình trạng khai thác quá mức cho phép… Đây cũng là vấn đề làm “nóng” phiên chất vấn về lĩnh vực tài nguyên, môi trường vừa qua.
  • Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt tỉ trọng thấp so với mục tiêu
    5 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Trả lời chất vấn của đại biểu về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 06 năm triển khai thực hiện Quyết định 68/QĐ-TTg, chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định, song một số sản phẩm đạt kết quả thấp hơn so với mục tiêu chung như ngành điện tử tin học, viễn thông, điện tử chuyên dụng…
  • Tăng cường cơ giới hóa, gắn với chuỗi chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản
    5 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Trả lời câu hỏi của đại biểu tại phiên chất vấn lĩnh vực công thương chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cơ khí hóa và phát triển chuỗi chế biến là giải pháp vô cùng quan trọng để nâng cao giá trị nông sản. Song vấn đề này cũng đang gặp những thách thức nhất định và cần có giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược để tháo gỡ.
Gỡ vướng về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây