Tiềm năng tăng trưởng lớn
Cùng với đà tăng trưởng của xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động vận tải và logistics Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Theo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới, chỉ số năng lực quốc gia về logistics của Việt Nam đang xếp ở vị trí 39 với điểm số được cải thiện đáng kể, đạt 3.27 điểm - xếp thứ 3 trong khối ASEAN (sau Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32) trong bảng xếp hạng hoạt động logistics 2018. Theo đó, Việt Nam được đánh giá là có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương.
Dự báo tăng trưởng ngành vận tải và logistics Việt Nam năm 2019 |
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2018 ngành logistics Việt Nam tăng trưởng khoảng 12-14% so với năm 2017. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện là 3.000 doanh nghiệp, bao gồm tất cả các doanh nghiệp logistics hoạt động theo các tuyến đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không…
Tiềm năng và cơ hội để ngành vận tải và logistics Việt Nam phát triển hơn nữa trong thời gian tới là rất lớn. Theo đại diện của Bộ Công Thương, sự phát triển của ngành vận tải và logistics sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển ngành vận tải và logistics.
Thứ nhất là trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế và việc ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do, mở ra cánh cửa giao thương ngày càng rộng lớn cho Việt Nam.
Thứ hai là vị trí địa lý của Việt Nam thích hợp để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á.
Thứ ba là cơ sở hạ tầng logistics như kho bãi, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không… đang không ngừng được cải thiện.
Giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo các chuyên gia, ngành logistics có nhiều cơ hội tăng trưởng nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Kết quả khảo sát của Vietnam Report tháng 12/2018 cho thấy, 3 thách thức lớn nhất của ngành vận tải và logistics Việt Nam hiện nay chính là cơ sở hạ tầng như hệ thống cảng biển, kho bãi, kết nối… còn hạn chế, bất cập; quy mô vốn, trình độ quản lý, trình độ chuyên môn còn hạn chế; các loại thuế, phí cầu đường và phụ phí cao.
Những thách thức lớn nhất của ngành vận tải và logistics Việt Nam hiện nay |
Nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng cho rằng, cơ sở hạ tầng mặc dù đã được cải thiện so với trước đây nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Tuyến trục vận tải Nam - Bắc vẫn phụ thuộc rất lớn vào đường bộ, rất cần sự tham gia hơn nữa của ngành đường sắt. Sự phát triển bất cân đối của hệ thống cảng biến Việt Nam khi hơn 92% lưu lượng container phía Nam tập trung ở cảng Cát Lái dẫn đến tình trạng quá tải, kẹt cảng… gây ra sự lãng phí rất lớn.
Hơn nữa, vốn và nhân lực là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Trên 70% doanh nghiệp vận tải và logistics đang hoạt động hiện nay có quy mô vốn vừa và nhỏ, chỉ có 7% doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng, trong đó nhóm vốn lớn chủ yếu là các doanh nghiệp đa quốc gia.
Ngoài ra, nhân sự ngành vận tải và logistics đòi hỏi phải có kiến thức nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ và kinh nghiệm làm việc tốt, nhưng đây vẫn là yếu điểm của các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, chi phí logistics, chi phí vận tải tại Việt Nam hiện đang ở mức cao (gấp 3 lần so với các nước trong khu vực và thế giới) và không đồng đều ở các khu vực, nguyên nhân chủ yếu do các loại thuế, phí cầu đường và phụ phí hiện khá cao đã gián tiếp làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với các nước khác.
Trước thực tế này, các doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ rất kỳ vọng vào việc hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được ưu tiên cải thiện để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả dịch vụ vận tải và logistics tại Việt Nam trong năm 2019.
Cùng với xu hướng phát triển của thương mại điện tử, sự gia nhập thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài làm gia tăng nguy cơ thâu tóm các kênh logistics địa phương khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều bất lợi. Do đó, các cơ quan quản lý cần nhìn rõ vấn đề này, bổ sung hành lang pháp lý cần thiết như quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics…; điều chỉnh các quy định về thuế phù hợp để tránh tình trạng chuyển giá, trốn thuế, từ đó tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp logistics.
Hiện nay chi phí logistics đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong chi phí doanh nghiệp, vô hình trung trở thành rào cản lớn nhất đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Để giảm chi phí logistics, hầu hết các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành đều cho rằng cần phải đồng bộ hạ tầng giao thông, kết nối giữa các phương thức vận tải, đồng thời phát triển sàn giao dịch vận tải nhằm kết nối tốt nhất các chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, tạo cơ sở cho doanh nghiệp logistics Việt Nam tham gia vào nhiều hơn vào chuỗi cung ứng, tránh tình trạng vận chuyển một chiều.
Năm 2019 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của vận tải và logistics trong thương mại điện tử Việt Nam. Sự gia tăng lưu lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến khiến nhu cầu vận tải và logistics, đặc biệt là dịch vụ giao hàng nhanh tăng cao. Số lượng đơn hàng thực hiện qua các công ty giao hàng nhanh tăng trưởng trung bình 45% trong giai đoạn 2015- 2020 và có thể đạt 530 triệu đơn hàng vào năm 2020. |