Năm 2023, du lịch Nghệ An đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Toàn tỉnh đón và phục vụ 8.360.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt 5.280.000 lượt, bằng 120% so với năm 2022, khách quốc tế là 77.500 lượt, bằng 231% so với năm 2022; doanh thu du lịch đạt 7.800 tỷ đồng, bằng 139% so với năm 2022.
So với yêu cầu đặt ra của kịch bản tăng trưởng trong năm 2023, ngành du lịch đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đặt ra cả về lượng khách cũng như doanh thu du lịch, góp phần vào tổng thu nhập GRDP của tỉnh.
Trong 02 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón và phục vụ 1.350.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt 800.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 3.541 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch ước đạt 1.355 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, hiện các sản phẩm du lịch của Nghệ An còn ít; công tác thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm chưa cao, chưa có sản phẩm du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao, khu phức hợp để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chưa có chiều sâu và trọng tâm, trọng điểm, hình thức còn đơn điệu, hiệu quả và sức lan tỏa chưa cao; tình trạng thiếu hụt nhân lực qua đào tạo, có kỹ năng nghề cao tiếp tục diễn ra...
Tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Nghệ An, diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long - Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh yêu cầu ngành Du lịch cần xây dựng các kịch bản tăng trưởng, làm tốt công tác dự báo, đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong năm 2024; triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển du lịch Nghệ An đến 2030 tầm nhìn 2035, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy thế mạnh tiềm năng, lợi thế về du lịch của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm gắn với nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đa dạng hóa dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch.
Ngành Du lịch cũng cần xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh hỗ trợ công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, phát triển các ứng dụng du lịch thông minh hỗ trợ doanh nghiệp và phục vụ khách du lịch; tiếp tục hợp tác, liên kết phát triển du lịch với 4 tỉnh Bắc miền Trung, các tỉnh trọng điểm du lịch và các đơn vị theo chương trình đã ký kết; chỉ đạo nâng cao chất lượng điểm đến, đặc biệt tại các trọng điểm du lịch của tỉnh như TP. Vinh, Thị xã Cửa Lò, huyện Nam Đàn...