Khi nào việc thanh toán BHYT được cải thiện thì khi đó Việt Nam mới có thể thoát khỏi nhóm những nước bị nghèo hóa do chi phí y tế,Ảnh: TS
Kết quả nghiên cứu nêu rõ, theo WHO, nếu tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân bằng hoặc vượt quá 40% khả năng chi trả của hộ gia đình thì gọi là chi phí “thảm họa”. Trong khi đó, theo Báo cáo tổng quan ngành Y tế năm 2013, chi phí từ tiền túi cho y tế tại Việt Nam năm 2007 là 54,8% và mặc dù tỷ lệ này đã giảm qua thời gian (năm 2012 còn hơn 47%) thì tỷ lệ hộ gia đình phải gánh chi phí “thảm họa”, nghèo hóa được nhận định là vẫn ở mức cao. Cụ thể, tỷ lệ hộ gia đình chịu mức chi phí “thảm họa” năm 2014 khoảng 2,3% (tương đương khoảng 550.000 hộ gia đình), giảm gần 40% so với năm 2010 nhưng vẫn ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực. Tỷ lệ nghèo hóa do chi phí y tế cũng có xu hướng giảm còn hơn 400.000 hộ sau 10 năm so với hơn 750.000 hộ năm 2004.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, các hộ gia đình có người già, hộ gia đình ở nông thôn, hộ nghèo, cận nghèo là những người phải gánh chi phí y tế “thảm họa” và nghèo hóa nhiều hơn các đối tượng khác.
Bình luận về kết quả nghiên cứu trên, GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng -nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam chia sẻ: Năm 2006, Việt Nam đã phối hợp với WHO thực hiện nghiên cứu đo lường đói nghèo do chi phí y tế (chỉ số Impoor và chỉ số CATA). Kết quả chỉ ra, Việt Nam rơi vào nhóm những nước có chỉ số nghèo đói do chi phí y tế cao nhất thế giới. Chi phí về khám, chữa bệnh cao như hiện nay đang là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự nghèo hóa của đất nước.
Cũng theo GS. Phạm Mạnh Hùng, với bất kỳ quốc gia nào tổng ngân sách chi cho y tế cũng bao gồm 3 nguồn là: NSNN (bao gồm cả viện trợ và vốn vay), Bảo hiểm y tế (BHYT) và tiền túi chi trả trực tiếp từ người dân (thường gọi là viện phí). Tổng chi ấy lớn hay nhỏ là quan trọng nhưng tỷ lệ của mỗi nguồn thu ấy với tổng chi cũng rất quan trọng. Nếu tỷ trọng của người dân chi trả bằng tiền túi chiếm từ 50% trở lên so với tổng chi cho y tế thì đó là xu hướng của nền y tế mất công bằng.
Bày tỏ sự sốt ruột trước tình trạng viện phí chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi cho y tế, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế phân tích, xét dưới góc độ vận hành bệnh viện, khi không có đủ vốn từ nguồn NSNN vào BHYT cung cấp hay cung cấp một cách chậm chạp và cơ chế thanh quyết toán phiền toái thì viện phí là một giải pháp “tình thế” để kịp thu bù chi. Viện phí cũng làm cho người bệnh nếu có tiền thì dễ chọn nơi cung cấp dịch vụ hơn và tạo cảm giác việc khám, chữa bệnh thông thoáng hơn. Tuy nhiên nếu phân tích dưới góc độ công bằng trong chăm sóc sức khỏe thì viện phí là giải pháp nguồn thu dễ mang lại nghèo đói và mất công bằng nhất. Viện phí được ví như cạm bẫy của sự đói nghèo. Vì người nghèo muốn có tiền để trả viện phí chắc chắn phải đi vay và kể cả tầng lớp trung lưu cũng phải đi vay vì chi phí khám, chữa bệnh cao và có xu hướng ngày càng tăng do áp dụng công nghệ, kỹ thuật. “Một nền y tế tốt là nền y tế khám chữa bệnh giỏi, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Một nền y tế tốt phải là nền y tế không làm nghèo hóa người dân do những chi phí y tế”- GS. Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bao phủ BHYT để thoát bẫy nghèo
Báo cáo khoa học của Trường Đại học Y tế công cộng khuyến cáo, Việt Nam cần nỗ lực để giảm tỷ lệ chi phí từ tiền túi cho y tế từ hộ gia đình xuống dưới 30% (theo khuyến cáo của WHO) và qua đó tiếp tục giảm thiểu tỷ lệ chi phí thảm họa và nghèo hóa nhằm đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Để đạt mục tiêu này, GS. Phạm Mạnh Hùng cho rằng, các nhà quản lý phải hiểu được ý nghĩa của mỗi nguồn trong tổng chi cho y tế. Trong bối cảnh hiện nay khi ngân sách khó khăn, Nhà nước không thể bao cấp nổi chi phí chăm sóc sức khỏe cho người dân thì phải đẩy mạnh giải pháp tài chính cộng đồng đó là mua BHYT. Đây là giải pháp quan trọng để đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vấn đề BHYT đang tồn tại nhiều bất cập: mệnh giá thẻ BHYT còn thấp; những dịch vụ BHYT thanh toán còn hạn chế; thủ tục còn phiền hà, quyền lợi được hưởng chưa cao… là những vấn đề khiến nhiều người bị rơi vào bẫy nghèo do không muốn tham gia BHYT. “Khi nào BHYT phát triển song song với đời sống xã hội, việc thanh toán BHYT được cải thiện thì khi đó Việt Nam mới có thể thoát khỏi nhóm những nước bị nghèo hóa do chi phí y tế.”, GS. Phạm Mạnh Hùng nhận định.
Bộ Y tế cũng đang đặt ra lộ trình để giảm chi tiêu tiền túi của người bệnh, bằng cách thúc đẩy tham gia BHYT toàn dân, với mục tiêu đến năm 2020 mức chi tiêu tiền túi của người bệnh giảm xuống dưới 30%.
Box: Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng với gần 2.000 bệnh nhân tại 3 trung tâm điều trị ung thư lớn nhất cả nước (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Ung bướu TP. HCM) cho thấy: Sau 1 năm phát hiện bệnh, có 22,36% bệnh nhân gặp khó khăn về kinh tế. Trong đó: gần 34% bệnh nhân không thể mua thuốc; 24% bệnh nhân không thể thanh toán tiền gas, điện, nước; 21% không thể thanh toán chi phí đi lại; 15,2% không có tiền mua đồ ăn uống; 66,7% bệnh nhân phải vay mượn; 22% bệnh nhân phải bán tài sản.
ĐĂNG KHOA