Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: PVN |
Tại Tọa đàm, Ban Chiến lược Tập đoàn đã trình bày Báo cáo “Cập nhật tình hình tìm kiếm thăm dò gas hydrate trên thế giới và phương hướng tìm kiếm thăm dò gas hydrate của Petrovietnam”.
Báo cáo tập trung vào nội dung giới thiệu chung về gas hydrate; các phương pháp nghiên cứu, thăm dò và khai thác gas hydrate; cập nhật công tác nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò gas hydrate trên thế giới; nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò gas hydrate ở Việt Nam của Petrovietnam.
Băng cháy hay hydrate khí (gas hydrate) là một chất tự nhiên và methane (CH4) là khí phổ biến nhất trong băng cháy. Băng cháy phổ biến trong trầm tích đáy đại dương ở độ sâu nước từ 300 đến 500m; khu vực có mặt đất đóng băng vĩnh cửu. |
Đánh giá vai trò của gas hydrate trong xu thế giảm phát thải, Báo cáo nhận định, gas hydrate như một nguồn năng lượng tiềm năng, ở độ sâu nông hơn, dễ tiếp cận hơn so với các tầng chứa khí thông thường. Công nghệ hiện tại có thể khai thác methane từ hydrate trong trầm tích chứa cát. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu băng cháy liên tục gia tăng trong những năm gần đây.
Báo cáo cũng cập nhật thông tin về công tác nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò gas hydrate trên thế giới và một số dự án nghiên cứu trọng điểm về hydrate khí tự nhiên, một số dự án đang khai thác thử gas hydrate.
Về việc nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò gas hydrate ở Việt Nam, Báo cáo nêu rõ, Việt Nam nằm trong khu vực được đánh giá có tiềm năng khá về gas hydrate. Bên cạnh đó, khí thiên nhiên được coi là nhiên liệu hợp lý trong quá trình chuyển đổi sang một tương lai năng lượng không có carbon.
Trình bày Báo cáo “Triển vọng và định hướng điều tra gas hydrate ở các vùng biển Việt Nam”, Ban Tìm kiếm Thăm dò Dầu khí đã tóm tắt các kết quả nghiên cứu về gas hydrate tại Việt Nam, cũng như dự kiến phương án triển khai thăm dò, khai thác gas hydrate.
Báo cáo cũng đánh giá tài nguyên gas hydrate là nguồn nhiên liệu quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai.
Kết luận Tọa đàm, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng đề nghị các Ban chuyên môn của Tập đoàn tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, làm rõ hơn các xu thế thực tiễn về gas hydrate trên thế giới, đánh giá cụ thể tiềm năng, triển vọng của gas hydrate trong quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam.
Liên quan đến việc nghiên cứu về gas hydrate, ông Hoàng Quốc Vượng giao Viện Dầu khí Việt Nam phối hợp với các Ban chuyên môn, chủ động làm việc với các Bộ, ngành để tiếp tục nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng gas hydrate tại Việt Nam./.
QUỲNH ANH