Các trường nghề tập trung đào tạo nghề trọng điểm, thị trường cần để thu hút người học. Ảnh tư liệu |
Tập trung ngành nghề trọng điểm, đáp ứng nhân lực cho phục hồi kinh tế
Những khó khăn trong tuyển sinh buộc các trường phải linh hoạt tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm, trong đó, thời điểm tuyển sinh đại học cũng là thời điểm được trường nghề dồn toàn lực cho công tác tuyển sinh. Năm nay, nhiều trường cao đẳng (CĐ) nghề mở thêm ngành đào tạo mới để phù hợp với nhu cầu của xã hội, cũng như đáp ứng nhân lực chất lượng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Đơn cử, Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2 mở thêm ngành mới liên quan đến kỹ thuật hàng không, tập trung đào tạo nghề logistics chuyên về hàng không. Bên cạnh đó, trường tuyển sinh thêm 4 nghề theo tiêu chuẩn Đức, nhiều nghề tích hợp yếu tố 4.0 và yếu tố xanh. Trong khi đó, ngành Điện công nghiệp, tự động hóa, nông nghiệp công nghệ cao… theo các chương trình hợp tác với quốc tế tiếp tục là những ngành thế mạnh của Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội.
Cũng nắm bắt xu thế của thị trường việc làm, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP. HCM mở thêm nhiều ngành mới với hàng trăm chỉ tiêu, bao gồm các ngành logistics, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, quản trị khách sạn, bảo trì và sửa chữa khung vỏ ôtô, điện tử công nghiệp...
Xác định may mặc là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao trong quá trình hội nhập nên Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn đã chính thức đưa ngành Công nghệ may vào chương trình đào tạo. Theo TS. Hoàng Văn Phúc - Hiệu trưởng nhà trường, Trường cũng lên kế hoạch triển khai đào tạo nhiều ngành mới khác như Công nghệ chế biến thực phẩm; Ngôn ngữ Hàn để tiếp cận với thị trường việc làm Hàn Quốc, doanh nghiệp Hàn Quốc, vốn đang rộng cửa đón lao động Việt Nam.
Theo TS. Vũ Xuân Hùng (Vụ trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), qua tổng hợp số liệu tuyển sinh của các trường cho thấy, một số lĩnh vực ngành, nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng vẫn có kết quả tuyển sinh tốt như: Kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin, Du lịch khách sạn, Sức khỏe,... Năm nay, các ngành nghề này tiếp tục được nhân rộng trong hệ thống trường nghề; đồng thời tập trung vào nhiều ngành nghề đáp ứng nhu cầu bức thiết của thị trường như logictics, du lịch... “Đây là những nghề trọng điểm được Nhà nước định hướng đào tạo nhằm bổ sung thiếu hụt của thị trường, sau giai đoạn chịu thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra.” - TS. Hùng cho biết và khẳng định, các ngành nghề được đề xuất mở mới đã được Tổng cục cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên đánh giá nhu cầu của thị trường sau đại dịch, cũng như trong dài hạn.
Cam kết việc làm, chú trọng chất lượng đào tạo
Trong bối cảnh công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn, bên cạnh việc tập trung vào các ngành nghề trọng điểm, mở ngành mới, nhiều trường nghề đã đưa ra các ưu đãi nhằm thu hút thí sinh. Một trong những cách làm đáng chú ý, đó là các trường kí cam kết với người học đảm bảo bố trí việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Một số trường đã và đang thực hiện tốt chính sách này, như: CĐ Công thương Việt Nam, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội…
Trường nghề cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo để tăng khả năng cạnh tranh nguồn tuyển sinh. Ảnh: VOV |
Theo lãnh đạo Trường CĐ Công thương Việt Nam, ngoài cam kết hoàn trả 100% học phí nếu không bố trí được việc làm cho người học, nhà trường còn áp dụng chính sách miễn học phí học ngoại ngữ cho thí sinh đăng ký học sớm, cấp học bổng, người học nhận lương trong thời gian thực tập… “Đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, song Trường cũng đặc biệt coi trọng chất lượng đào tạo và coi đây là mục tiêu hàng đầu để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường, cũng như thể hiện cam kết với người học, nhà tuyển dụng” - lãnh đạo Trường cho biết.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho biết, nhờ thực hiện tốt chính sách ưu đãi, giữ cam kết với người học nên dù trong bối cảnh trường nghề còn gặp khó khăn trong tuyển sinh, song nhà trường vẫn luôn lấp đầy chỉ tiêu tuyển các năm. Theo ông Ngọc, từ kinh nghiệm của nhà trường cho thấy, việc đảm bảo thực thi các cam kết, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đào tạo chính là giải pháp căn bản nhằm tạo dựng thương hiệu của trường một cách bền vững, từ đó gia tăng uy tín với người học, xã hội về đào tạo nghề.
Theo TS. Phạm Xuân Khánh – Phụ trách Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội, những vấn đề mà phụ huynh quan tâm khi tìm hiểu trường cho con là hình thức đào tạo của các ngành nghề, quá trình học, cơ hội việc làm sau, mức lương có thể đạt được sau khi tốt nghiệp... Trong đó, chất lượng đào tạo, thể hiện qua cơ hội việc làm cho người học là yếu tố được quan tâm hàng đầu. “Do đó, đây là vấn đề cần được các trường lưu tâm khi tư vấn tuyển sinh, cũng như có giải pháp để thực hiện các cam kết đề ra” - TS. Khánh cho biết.
Cũng theo ông Khánh, để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp từ khâu xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo và tiếp nhận lao động. Sinh viên của trường được tham gia vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp ngay từ học kỳ thứ 2. "Do vậy, nhiều sinh viên tham gia quá trình đào tạo được doanh nghiệp giữ lại làm việc sau khi tốt nghiệp, hoặc doanh nghiệp chủ động tìm đến đặt hàng, tiếp nhận từ khi các em chưa tốt nghiệp" - TS. Khánh nói.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, những rào cản về tâm lý, chuộng bằng cấp khiến người học còn ngại học nghề, trong khi tuyển sinh của các trường đại học ngày càng dễ dàng hơn, khiến cho cơ hội tuyển sinh của trường nghề bị bó hẹp. Những thách thức này đòi hỏi các trường nghề phải năng động hơn gấp đôi để khẳng định mình và tạo sức cạnh tranh trên thị trường. |