Ngoại giao kinh tế đóng góp quan trọng vào tạo dựng vị thế, uy tín quốc tế của đất nước

(BKTO) - Trong những năm qua, công tác đối ngoại, đặc biệt là công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, đóng góp quan trọng vào tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, diễn ra vào ngày 21/12.

ng.jpg
Quang cảnh Phiên họp toàn thể. Ảnh: D.THIỆN

Nhìn lại công tác đối ngoại trong 3 năm qua, kể từ sau Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, bám sát đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, cũng như các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, công tác đối ngoại, đặc biệt là công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ khắp các trụ cột đối ngoại và diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục trên cả bình diện song phương và đa phương.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá tại Phiên toàn thể khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, công tác đối ngoại trong 3 năm qua “đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước”.

“Những thành tựu ngoại giao kinh tế là kết tinh trí tuệ, nỗ lực của các ngành, các địa phương và doanh nghiệp, cũng như của cả hệ thống chính trị và nền kinh tế, trong đó có đóng góp của ngành ngoại giao” - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.

Tại Phiên họp toàn thể, đại diện lãnh đạo các ban, Bộ, ngành, địa phương gồm Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước và các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp đã có ý kiến phát biểu, tham luận.

Theo đó, các ý kiến phát biểu đã khẳng định, trong thời gian qua, cục diện đối ngoại đã không ngừng được củng cố, các khuôn khổ hợp tác mang tính chiến lược, đột phá đã được định hình, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ tầm quan trọng của việc tăng cường triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển và đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, mở rộng không gian phát triển mới cho nền kinh tế trong các lĩnh vực về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát triển ngành bán dẫn...

Các ý kiến phát biểu cũng đánh giá cao Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đồng hành, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp trong việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế, đặc biệt là trong công tác nghiên cứu, thông tin, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, xúc tiến xuất nhập khẩu và thu hút nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

Phát huy những kết quả đã đạt được, các đại biểu bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, ngành ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế trên cơ sở bám sát các nhu cầu, định hướng phát triển của đất nước, theo tinh thần lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể, các đại biểu cũng đã thảo luận và xác định một số lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác với các đối tác chủ chốt; trao đổi về giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ngành ngoại giao với các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế.

Đặc biệt là thúc đẩy một số hướng đi đột phá mới như: triển khai “ngoại giao nông nghiệp” gắn với thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực; đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn toàn cầu; xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế; tăng cường thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư tại Vùng Vịnh; triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển ngành Halal Việt Nam”...

Tại Phiên họp toàn thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu chỉ đạo đánh giá những kết quả mà ngành ngoại giao đã đạt được trong công tác đối ngoại nói chung, ngoại giao kinh tế nói riêng. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề ra những nhiệm vụ chính cho ngành ngoại giao và các cơ quan liên quan trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới.

Lĩnh hội các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, ngành ngoại giao sẽ thảo luận, đề ra chương trình, đề án, biện pháp để triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động ngoại giao kinh tế, góp phần đưa công tác này thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao sẽ quán triệt sâu sắc hơn các chủ trương, quan điểm, phương châm và định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và ngoại giao kinh tế. Qua đó, tiếp thêm động lực, khí thế mới và củng cố thêm quyết tâm để ngành ngoại giao cùng các ngành, các địa phương và doanh nghiệp thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước./.

Cùng chuyên mục
Ngoại giao kinh tế đóng góp quan trọng vào tạo dựng vị thế, uy tín quốc tế của đất nước