Người dân bị ảnh hưởng bão số 3 có thể được giảm 15-30% tiền thuê đất

(BKTO) - Bộ Tài chính đề xuất giảm 15-30% tiền thuê đất năm 2024, tương đương khoảng 2.000-4.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có thêm nguồn lực ứng phó với những khó khăn, thách thức; đồng thời hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi).

11.jpeg
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, địa phương bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3. Ảnh: ST

Mở rộng đối tượng được miễn, giảm, đơn giản thủ tục hành chính

Theo Bộ Tài chính, các dự báo cho thấy, mức độ cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm gây bất định cho cả sản xuất và tiêu dùng, đồng thời làm tăng biến động tài chính. Bên cạnh đó, tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai đã tăng lên theo thời gian và còn tiếp tục tăng hơn nữa do biến đổi khí hậu đã đe dọa an ninh lương thực. Trong nước, khó khăn, thách thức của nền kinh tế nhiều hơn thuận lợi. Cùng với đó, tại báo cáo về tình hình thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra và các giải pháp khắc phục hậu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu bão, ngập lụt, lũ quét. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, cho ý kiến góp ý đối với nội dung báo cáo, đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Dự thảo Nghị định quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024 để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới; đồng thời hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3, dự phòng các kịch bản về thiên tai có thể ảnh hưởng trên cả nước.

Theo đó, tại Dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất đối tượng áp dụng là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất, trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (tính tại thời điểm người thuê đất nộp hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất theo quy định) dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm (người thuê đất). Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan; cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ giảm tiền thuê đất; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Do tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2024 được cải thiện so với năm 2023, tại Dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án về mức giảm tiền thuê đất. Cụ thể, phương án 1: Giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người thuê đất; Phương án 2: Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người thuê đất. Mức giảm tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 theo quy định của pháp luật. Không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2024 và tiền chậm nộp (nếu có). Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất, thì mức giảm tiền thuê đất này được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khẩu trừ theo quy định của pháp luật.

Nhằm đơn giản thủ tục hành chính và thuận lợi trong tổ chức thực hiện, hạn chế tình trạng phải xin xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Tài chính trình Chính phủ thành phần hồ sơ chỉ gồm 2 loại văn bản: Giấy đề nghị giảm và quyết định cho thuê hoặc hợp đồng thuê, hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất. Đồng thời, quy định người nộp tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực khi đề nghị giảm tiền thuê đất. Để đảm bảo thuận lợi cho việc kịp thời thu, nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước (NSNN), người nộp có thể nộp bằng phương thức điện tử hoặc phương thức khác cho cơ quan thuế hoặc cơ quan khác theo quy định.

Tác động lớn tới việc phục hồi, ảnh hưởng ít đến số thu

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính - cho biết, việc giảm tiền thuê đất đã thực hiện trong thời gian qua. Để tháo gỡ khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg; Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2020, 2022 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất hằng năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023. Việc giảm tiền thuê đất đã giúp các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có thể sử dụng số tiền được giảm để phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh mà không phải đi vay ngân hàng; do vậy, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản tương đối lớn. Số tiền thuê đất, thuê mặt nước được giảm trung bình các năm 2020-2023 nêu trên là 2.890 tỷ đồng/năm (riêng trung bình các năm 2021, 2022, 2023 là 3.734 tỷ/năm), qua đó đã góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Còn theo Dự thảo Nghị định quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024, dự kiến, số tiền thuê đất giảm khoảng 2.000- 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với khả năng phục hồi và phát triển kinh tế của năm 2024 nhờ các chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dự toán thu NSNN năm 2024 sẽ đạt và vượt (hết 3 quý năm 2024, thu ngân sách đạt khoảng 85% dự toán). Vì vậy, theo Bộ Tài chính, số tiền thuê đất giảm theo chính sách được đề xuất không ảnh hưởng đáng kể đến số thu NSNN nói chung, nhưng lại tác động lớn tới việc phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình, doanh nghiệp.

Việc giảm tiền thuê đất thời gian qua đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, giúp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống… Đặc biệt, việc giảm tiền thuê đất và các chính sách hỗ trợ đã tạo cho doanh nghiệp có được một lượng tiền để sử dụng, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh quá trình phục hồi phát triển./.

Cùng chuyên mục
  • Nhiều khó khăn “bủa vây” ngành vật liệu xây dựng
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Là một trong những ngành công nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng ngành vật liệu xây dựng (VLXD) hiện đang gặp nhiều khó khăn không chỉ cản trở sự phát triển của ngành, mà còn tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế. Thực tế này đòi hỏi cần có nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, thúc đẩy ngành VLXD lấy lại đà tăng trưởng.
  • Thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở - chìa khóa để Hà Nội phát triển bền vững
    một tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Hà Nội xác định việc xây dựng đô thị thông minh là điều tất yếu và cấp thiết. Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bao trùm, bền vững - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định.
  • Sử dụng vốn hiệu quả, từng bước xóa nghèo nơi vùng cao Tây Bắc
    một tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Là huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình, Lạc Sơn được xếp vào diện khó khăn với đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Song nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương khi sử dụng hiệu quả nguồn vốn giảm nghèo, đồng thời có giải pháp khuyến khích người dân thoát nghèo, đời sống của người dân tại đây đã có nhiều khởi sắc.
  • Chính sách tín dụng: Công cụ hữu hiệu điều tiết thị trường bất động sản
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, chính sách pháp luật về tín dụng là công cụ hữu hiệu nhằm điều tiết thị trường bất động sản (BĐS) tránh những “cơn nóng lạnh” bất thường, qua đó đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định của thị trường BĐS, cũng như hạn chế những tác động gây bất ổn tới nền kinh tế.
  • Giải pháp “Phát triển lĩnh vực bán dẫn tại Đà Nẵng” được vinh danh
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Mới đây, tại sự kiện “Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”, giải pháp “Phát triển lĩnh vực bán dẫn tại Đà Nẵng” được vinh danh là giải pháp “Phát triển hệ sinh thái bán dẫn cho tương lai”.
Người dân bị ảnh hưởng bão số 3 có thể được giảm 15-30% tiền thuê đất