Sử dụng vốn hiệu quả, từng bước xóa nghèo nơi vùng cao Tây Bắc

(BKTO) - Là huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình, Lạc Sơn được xếp vào diện khó khăn với đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Song nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương khi sử dụng hiệu quả nguồn vốn giảm nghèo, đồng thời có giải pháp khuyến khích người dân thoát nghèo, đời sống của người dân tại đây đã có nhiều khởi sắc.

z5890397405330_c4c3a745ba56e03d656513856b9d30b0.jpg
Diện mạo xã Tuân Đạo, nơi từng được coi là “rốn nghèo” của huyện Lạc Sơn đang dần thay đổi. Ảnh: N.Lộc

Từng bước xóa nghèo ở huyện vùng cao

Những ngôi nhà mái ngói với nhiều kiểu cách, vững chãi được xây dựng thay thế những ngôi nhà tạm, lụp xụp; những con đường đổ bê tông trải dài đến tận cánh đồng, đến từng nhà dân… Đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về diện mạo mới, ngày càng khởi sắc tại xã Tuân Đạo, nơi từng được coi là “rốn nghèo” của xứ Mường vừa Tây Bắc.

Tuân Đạo là xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của cả nước, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó tích cực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, công tác giảm nghèo của xã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 40 triệu đồng.

z5890397467887_0d24ffb2de3201de95c7c01fc62e7c50.jpg
Huyện Lạc Sơn nỗ lực khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp

Theo Chủ tịch UBND xã Tuân Đạo Bùi Văn Thư, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp, xã đã khuyến khích, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường; đồng thời lấy việc đào tạo nghề cho nông dân làm giải pháp bền vững để giúp người dân chủ động sản xuất hiệu quả.

Đây cũng là cách làm được huyện Lạc Sơn chú trọng trong phát triển kinh tế, thúc đẩy giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Thông tin tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn Bùi Văn Lịnh cho biết, xác định đặc thù địa phương gắn với nông nghiệp, huyện đã ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động người dân tộc thiểu số; tạo điều kiện cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hỗ trợ điều kiện sinh kế tạo việc làm tại chỗ gắn với chuỗi giá trị... 

Thông tin cụ thể về vấn đề này, ông Bùi Văn Phụng - Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Sơn cho biết, trong 6 tháng đầu năm, huyện Lạc Sơn đã tạo việc làm mới cho 1.605 lao động trong nước, 44 lao động xuất khẩu theo hợp đồng lao động ở nước ngoài; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 1 phiên giao dịch việc làm... 

 Huyện Lạc Sơn phấn đấu mức thu nhập bình quân hộ nghèo từ 1 triệu đồng/người/tháng trở lên; đến hết năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 10,98% (tương ứng giảm tỷ lệ 4%/năm), giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 14,79% xuống 12,14%. 

Trên cơ sở kết quả tích cực từ 3 năm (2021-2023) luôn đạt và vượt kế hoạch chỉ tiêu về tạo việc làm và tự tạo việc làm cho người lao động, năm 2024, huyện Lạc Sơn đặt mục tiêu tạo việc làm cho 2.500 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 60%.

z5890397218996_a2cabfd34e77e0e8779a1d9fabc4f627.jpg
Huyện chú trọng tuyên truyền đến người dân nhằm góp phần thay đổi nhận thức trong công tác giảm nghèo. Ảnh: N.Lộc

Công tác giáo dục nghề nghiệp được UBND chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2024. Huyện thông báo tuyển sinh 12 lớp với 230 học viên gồm các lớp nghề: Kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho gia cầm và lợn; May công nghiệp... Đồng thời, địa phương phối hợp với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện tư vấn, giới thiệu việc làm cho các học viên sau khi học xong.

Đặc biệt, địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp dân cư và người nghèo, nhằm góp phần thay đổi nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, theo ông Phụng, do tính chất phức tạp của địa hình, nên huyện cũng thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiên tai như bão lũ, sạt lở, khiến cho việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thêm khó khăn. "Hiện, huyện đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ di dời hàng trăm hộ dân trong vùng ảnh hưởng của sạt lở đến nơi ở mới an toàn" - ông Phụng cho biết. 

Thực hiện hiệu quả các nguồn vốn đầu tư

Theo lãnh đạo huyện, để đạt được những kết quả nêu trên, đồng thời tiếp tục thúc đẩy công tác phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, huyện Lạc Sơn sẽ tập trung triển khai hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước, các nguồn vốn đầu tư hợp pháp, đồng thời tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ hợp pháp cho phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân nghèo trên địa bàn. 

Theo đó, xác định thực hiện công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, huyện Lạc Sơn đã tranh thủ các nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, ưu đãi giáo dục, tín dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm...

Hiện nay, huyện đang triển khai thực hiện có hiệu quả các Dự án trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 và giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, thực hiện lồng ghép các Chương trình dự án để tập trung hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn huyện; trong đó ưu tiên nguồn lực phù hợp từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.

z5890396971503_e382ad03536aabc541339866c26d73f6.jpg
Huyện Lạc Sơn phát huy hiệu quả của các nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án để cải thiện điều kiện hạ tầng, phát triển sản xuất tại địa phương. Ảnh: N.Lộc

Theo Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn Bùi Văn Lịnh, mới đây, huyện được phân bổ trên 30 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024. Trong đó, ưu tiên kinh phí trên 19,3 tỷ đồng cho dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; 5 tỷ đồng cho dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng trong lĩnh vực nông nghiệp. Nguồn vốn còn lại thực hiện dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.

“Huyện đang tích cực giải ngân hầu hết các dự án để mang lại tác động tích cực giúp đổi thay đời sống của người dân và điều kiện kinh tế - xã hội huyện” - ông Lịch cho biết.

Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đang triển khai đồng bộ các giải pháp: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; đẩy mạnh tuyên truyền đến các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân; kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách, dự án, chương trình giảm nghèo; chú trọng đào tạo nghề, xuất khẩu lao động. 

Tuy nhiên, do đặc thù huyện miền núi, địa hình hiểm trở, giao thông chia cắt, dẫn đến việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại huyện còn gặp những trở ngại, đặc biệt là thiếu kinh phí để đầu tư, phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng giao thông... 

Để làm được điều đó, huyện đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư vào huyện để tạo công ăn việc làm cho người lao động; vận động các nguồn lực từ xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo như vận động quỹ "Ngày vì người nghèo" và công tác an sinh xã hội. Đồng thời, huyện sẽ tập trung nguồn lực vào các chương trình giúp đỡ các xã, xóm đặc biệt khó khăn để tăng cường hỗ trợ cho hộ nghèo và xóm, xã đặc biệt khó khăn sớm cải thiện tình hình. 

Năm 2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng nông thôn, hỗ trợ sinh kế giúp người dân thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa nhà tạm,  nâng cao các tiêu chí nông thôn mới gắn với định hướng phát triển du lịch. 

Cùng chuyên mục
Sử dụng vốn hiệu quả, từng bước xóa nghèo nơi vùng cao Tây Bắc