Nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước

(BKTO) - Cộng đồng người Việt ở nước ngoài (NVNONN) là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc. Tình cảm mật thiết, gắn kết Tổ quốc với kiều bào, kiều bào với Tổ quốc càng được khẳng định rõ nét và kịp thời sau hơn 2 năm triển khai Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về Công tác NVNONN trong tình hình mới (Kết luận 12).

3-1-.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam trong chuyến thăm Italy vào tháng 7/2023. Ảnh: ST

Đóng góp tích cực trong xây dựng và phát triển đất nước

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng, từ 2,7 triệu người năm 2003, cộng đồng NVNONN hiện có khoảng 6 triệu người, với tốc độ tăng trưởng nhanh (khoảng 5%/năm), độ bao phủ rộng (kiều bào hiện đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, trên 80% ở các nước phát triển). Cộng đồng NVNONN không chỉ tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng, mà ngày càng khẳng định vị thế, có đóng góp nhất định đối với nước sở tại cũng như vun đắp tình hữu nghị, thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, quảng bá hình ảnh đất nước con người, văn hóa Việt Nam. Trước tiên, đó là nguồn lực tri thức, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Theo ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10-12% trong cộng đồng gần 6 triệu NVNONN; nhiều kiều bào Việt Nam là nhà khoa học, trí thức được vinh danh, nhận các giải thưởng quốc tế lớn.

Về nguồn lực kinh tế, doanh nhân người Việt đã có mặt tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có tiềm lực kinh tế và có ảnh hưởng ngày càng tăng không chỉ đối với cộng đồng mà cả đối với chính quyền sở tại. Theo thống kê gần đây, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án FDI tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD.

Thêm vào đó, Việt Nam nhiều năm liền nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 193 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ. Kiều hối gửi về trong nước tăng ổn định hằng năm, kể cả trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Riêng năm 2022, lượng kiều hối gửi về Việt Nam là 19 tỷ USD, năm 2023 có thể đạt 14-15 tỷ USD; dự báo trong năm 2024, lượng kiều hối chuyển về sẽ tăng khoảng 20% so với năm nay, khi cả thế giới đều đang kỳ vọng vào sự chuyển mình sau đại dịch.

Hơn nữa, người lao động Việt Nam làm việc ở các nước khi trở về là lực lượng có tay nghề, kỹ năng và kỷ luật. Về nguồn lực “mềm”, cộng đồng NVNONN là cầu nối quan trọng, trực tiếp giữa Việt Nam với các nước, củng cố quan hệ hữu nghị hợp tác, quảng bá hình ảnh, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tại nước sở tại...

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1334/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát huy nguồn lực của NVNONN phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới. Đề án đề ra nhiều giải pháp thực hiện, như: Thu hút chuyên gia, trí thức, nhân tài NVNONN và lao động người Việt trở về nước; thúc đẩy hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế và chính quyền các nước có người Việt Nam sinh sống để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NVNONN; tăng cường phối hợp giữa cơ quan chức năng của Việt Nam và sở tại để hỗ trợ cộng đồng NVNONN có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định, phát triển và hội nhập vào sở tại…

Công tác NVNONN cần được triển khai mạnh mẽ và toàn diện hơn

Bên cạnh kết quả đã đạt được, nhiều ý kiến cho rằng, công tác thu hút nguồn lực NVNONN thời gian qua vẫn chưa phát huy tối đa tiềm năng to lớn của kiều bào; sự kết nối và duy trì quan hệ giữa trí thức, doanh nhân kiều bào với trong nước chưa thực sự vững chắc, khiến kiều bào chưa phát huy được hết thế mạnh của mình; thiếu các chương trình, dự án khả thi thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào hợp tác làm việc; kiều hối chưa tập trung vào đầu tư phù hợp với định hướng phát triển của đất nước cũng như của các ngành, nghề... Do vậy, cần tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt trong công tác huy động nguồn lực quan trọng này, hòa vào sức mạnh tổng hợp của dân tộc, nhằm đạt được mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Với góc độ là một kiều bào, bà Trần Thị Chang - Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Malaysia - Việt Nam - kỳ vọng, trong thời gian tới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác cộng đồng, đặc biệt công tác bảo hộ công dân, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại nhằm hỗ trợ cộng đồng người Việt củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống. Đổi mới hoạt động nhằm thu hút kiều bào hơn nữa, đặc biệt thế hệ trẻ tham gia xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác NVNONN giai đoạn 2021-2026.

Trong khi đó, ông Đỗ Quang Ba - Chủ tịch Tổ chức giao lưu quốc tế Việt Nam - Nhật Bản - cho rằng, ngành ngoại giao nước ta đang làm rất tốt vai trò giữ vững môi trường hoà bình, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt thu hút nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phát triển đất nước. Số lượng trí thức trẻ người Việt là nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo ở môi trường giáo dục của các nước phát triển hiện vẫn đang sinh sống và làm việc tại nước sở tại rất đông. Cán bộ ngoại giao tại các cơ quan đại diện ngoại giao (Đại sứ quán, Lãnh sự quán) tại các nước chính là sợi dây kết nối kiều bào để thu hút nguồn nhân lực đó cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên, nhiều khi có những trí thức rất muốn đóng góp cho đất nước nhưng họ còn không biết cách liên hệ với ai, không có sự hỗ trợ xuyên suốt nên đó cũng là một trong những yếu tố làm “chảy máu chất xám”. “Đối với tôi, yêu nước không có nghĩa là phải trở về trong nước để làm việc. Mà nhiều khi, ngồi tại nước sở tại vẫn có thể đóng góp được về cho đất nước dễ dàng và hiệu quả” - ông Đỗ Quang Ba chia sẻ.

Về định hướng triển khai công tác về NVNONN trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng, công tác NVNONN cần được triển khai mạnh mẽ và toàn diện hơn theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và Kết luận 12 của Bộ Chính trị, trong đó, chú trọng công tác nghiên cứu, theo dõi, nắm bắt tình hình cộng đồng NVNONN để kịp thời tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những chính sách liên quan đến NVNONN.

Đồng thời, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết dân tộc đối với NVNONN; chú trọng công tác vận động hướng tới kiều bào trẻ, lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng. Kiên trì vận động những kiều bào còn định kiến để bà con yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc. Đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực của NVNONN đóng góp cho sự phát triển của đất nước thông qua việc hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của kiều bào; phát huy nguồn lực và vai trò của kiều bào trong việc nâng cao vị thế quốc gia và tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.../.

Cùng chuyên mục
Nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước