
Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Kiên Giang Đoàn Công Thiệt chia sẻ, trong năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025, những giải pháp đồng bộ, đúng đắn của tỉnh đã tác động trực tiếp, hiệu quả đến việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tại NHCSXH tỉnh Kiên Giang.
Đến ngày 31/3/2025, NHCSXH tỉnh Kiên Giang đang triển khai 22 chương trình tín dụng chính sách tới tất cả các làng quê trên biên thùy, ngoài hải đảo với số tiền đã giải ngân là 7.395 tỷ đồng; trong đó, có 640 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH.
Nguồn vốn đã đến tay hơn 207 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Đơn cử như tại huyện Kiên Lương, nguồn vốn của Trung ương và vốn ngân sách địa phương trong năm đã hỗ trợ vốn sản xuất cho 90 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ các hộ gia đình vay vốn để xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp 204 công trình nước sạch, công trình vệ sinh; hỗ trợ tạo việc làm cho 225 người lao động, giải ngân 88 lượt học sinh sinh viên vay vốn học tập… Qua đó, đã góp phần giúp cho hàng trăm hộ gia đình có việc làm ổn định, an tâm sản xuất.
Các cấp ủy, địa phương đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đóng vai trò cầu nối giữa ngân hàng với người dân, bảo đảm vốn vay được phân bổ đúng đối tượng, đúng mục tiêu.
Tính chung trên địa bàn tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH xây dựng được mạng lưới hơn 3.200 Tổ Tiết kiệm và vay vốn làm cầu nối vững chắc triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến tận tay người dân./.