(BKTO)- Trong bối phải thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19, nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới đang đứng trước nguy cơ lún sâu vào suy thoái.

Một điểm du lịch ở Chester - Anh vắng khách du lịchdo dịch Covid-19 - Nguồn: TTXVN

Kinh tế Anh có thế giảm mạnh nhất trong hơn 3 thế kỷ

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ngày 7/5 cảnh báo nền kinh tế Xứ sở sương mù đang hướng tới cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn 300 năm qua do ảnh hưởng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Trong một báo cáo mà BoE gọi là một “kịch bản minh họa” thay vì dự báo thông thường, ngân hàng này cho rằng nền kinh tế Anh đang trên đà suy giảm 25% trong quý II/2020, với tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng gấp hơn hai lần lên hơn 9%.

Bất chấp các gói kích thích kinh tế và tài chính khổng lồ mà chính phủ đã đưa ra, sản lượng kinh tế của Anh có thể giảm 14% trong năm 2020 - mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 1706 và lớn gấp ba lần mức giảm trong đợt suy thoái kinh tế 2008-2009.

Tuy nhiên, theo BoE, khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng, kinh tế Anh có thể bật tăng mạnh trở lại trong năm 2021, với mức tăng trưởng có thể lên tới 15%, cao nhất kể từ năm 1704.

Cũng theo BoE, lạm phát trong vài tháng tới có thể rơi xuống dưới 1%, bằng một nửa mục tiêu của BoE, song các chỉ dấu kinh tế gần đây dù ở mức thấp vẫn cho thấy nhu cầu ổn định.

Do tình hình kinh tế hiện nay, BoE đã giữ nguyên lãi suất cơ bản thấp kỷ lục ở mức 0,1% và ngừng mục tiêu mua trái phiếu, chủ yếu là nợ chính phủ, trị giá 645 tỷ bảng (797 tỷ USD), trong bối cảnh các gói kích thích kinh tế đưa ra trong tháng Ba tiếp tục được duy trì.

Thống đốc BoE - Andrew Bailey khẳng định ngân hàng này sẽ nỗ lực ổn định tài chính và tiền tệ vì triển vọng lâu dài cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân.

Sau hơn sáu tuần tiến hành phong tỏa, Thủ tướng Anh Boris Johnson dự định sẽ phác thảo các bước tiếp theo của Anh trong nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19 vào cuối tuần này.

BoE ước tính việc phong tỏa xã hội nếu kéo dài thêm hai tuần nữa sẽ khiến nước này mất khoảng 1,25% GDP trong ngắn hạn và khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm 0,75 điểm phần trăm, cho dù tác động dài hạn sẽ gần bằng 0.

Sau khi BoE đưa ra động thái trên, tỷ giá đồng bảng Anh so với USD đã tăng, lên mức 0,8080 bảng Anh đổi 1 USD.

Australia dự báo kinh tế giảm 6%

Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA - ngân hàng trung ương) ngày 8/5 dự báo kinh tế nước này giảm 6% trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp tăng tới mức 10% trong bối cảnh các doanh nghiệp đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp.

Trước đó, tại cuộc họp khẩn cấp diễn ra tháng Ba vừa qua, RBA đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 0,25% và khởi động chương trình nới lỏng định lượng không hạn chế nhằm duy trì chi phí vay thấp cho cả các ngân hàng và khách hàng.

Theo RBA, kinh tế Australia đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 30 năm qua.

Trong tuyên bố hằng quý về chính sách tiền tệ đưa ra ngày 8/5, RBA khẳng định lại cam kết nỗ lực hết sức để hỗ trợ việc làm, thu nhập và các doanh nghiệp khi chính phủ hoàn tất các kế hoạch khởi động lại nền kinh tế vào tháng Bảy tới.

Brazil lo ngại nguy cơ kinh tế 'sụp đổ'

Ngày 7/5, Bộ trưởng Kinh tế Brazil Paulo Guedes cảnh báo trong vòng một tháng nước này có thể đối mặt với nguy cơ "sụp đổ kinh tế", do các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lây lan, dẫn tới tình trạng thiếu thực phẩm và bất ổn xã hội.

Brazil hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 trong khu vực Mỹ Latinh, với 9.146 ca tử vong và hơn 135.000 ca mắc Covid-19.

Trong tuyên bố, Bộ trưởng Guedes cảnh báo trong vòng 30 ngày Brazil có thể bắt đầu thiếu hàng hóa, mất kiểm soát sản xuất, dẫn tới sụp đổ hệ thống kinh tế.

Cùng chung quan điểm này, Tổng thống Jair Bolsonaro cho rằng các biện pháp buộc người dân phải ở trong nhà tác động tiêu cực đến nền kinh tế "một cách không cần thiết".

Theo ông Bolsonaro, phòng chống dịch bệnh là quan trọng, song vấn đề việc làm và nền kinh tế bị đình trệ còn đáng lo ngại hơn.

Tăng trưởng kinh tế Mexico dự báo giảm 7,1%

Trong khi đó tại Mexico, giá cả hàng hóa trong tháng Tư vừa qua giảm hơn 1% so với tháng Ba, trong khi lạm phát giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm.

Theo số liệu của Viện thống kê quốc gia Mexico, giá xăng và điện giảm mạnh nhất, ở mức hơn 8,5%. Tuy nhiên, các mặt hàng như trứng, bia, ớt đều tăng giá. Lạm phát tính theo năm ở mức 2,15%, thấp nhất kể từ mức lạm phát 2,13% tháng 12/2015.

Mexico đã áp đặt lệnh phong tỏa từ ngày 23/3 vừa qua để ngăn chặn dịch Covid-19, theo đó nền kinh tế bị chững lại.

Ngân hàng trung ương Mexico đặt mục tiêu lạm phạt cả năm ở mức 3% và dao động trong khoảng 1%. Như vậy, tỷ lệ lạm phát hiện nay vẫn nằm trong mục tiêu của ngân hàng này.

Tăng trưởng kinh tế Mexico trong quý I/2020 giảm 2,4% so với cùng năm ngoái. Tăng trưởng cả năm của nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh này được dự báo sẽ giảm 7,1%.

Tuần trước, Ngân hàng trung ương Mexico đã hạ lại suất xuống 6% để hỗ trợ nền kinh tế.

Honduras dự báo GDP sẽ giảm từ 2,9%-3,9%

Cùng ngày, Ngân hàng trung ương Honduras cũng dự báo GDP sẽ giảm từ 2,9%-3,9% trong năm nay do nhu cầu, đầu tư tư nhân, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, thương mại, khách sạn và nhà hàng, nông nghiệp, vận tải, hậu cần và xây dựng.

Cơ quan tài chính Honduras đánh giá xuất khẩu và kiều hối giảm sẽ khiến tài khoản vãng lai thâm hụt ở mức 2,1% GDP trong năm 2020.

Honduras đến nay đã ghi nhận 1.461 ca mắc Covid-19, trong đó có 99 ca tử vong.Mặc dù dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, Chính phủ Honduras đã bắt đầu cho phép mở cửa lại đối với dịch vụ nhà hàng và quán cà phê tại thủ đô Tegucigalpa. Ngành kinh doanh nhà hàng tại Honduras tiêu thụ tới 30% sản lượng nông nghiệp và tạo hơn 110.000 việc làm trực tiếp và hơn 500.000 việc làm gián tiếp.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Năm 2070, hàng tỷ người phải sống ở những nơi quá nóng để có thể tồn tại
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Trái đất đang ngày càng nóng lên qua từng năm, kéo theo vô vàn các hậu quả khắc nghiệt. Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ thì trong vòng 50 năm tới nếu cứ duy trì tốc độ tăng nhiệt như hiện nay, sẽ có ít nhất 3 tỉ người phải sống ở những nơi quá nóng để có thể tồn tại.
  • Thiệt hại hàng tỷ đô mỗi tuần vì Covid-19
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Tác động của dịch Covid-19 đang đẩy nền kinh tế của nhiều quốc gia vào cuộc suy thoái kỷ lục khi buộc phải áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với những dịch vụ không thiết yếu.
  • Con đường bất ổn
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế của 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc rơi vào tình trạng gần như ngưng trệ. Nhiều chuyên gia dự báo chặng đường khôi phục kinh tế của 2 quốc gia này sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn.
  • Châu Âu- đòi hỏi những kế hoạch hỗ trợ kinh tế khổng lồ
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Châu Âu hiện là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Từ những tác động to lớn của các biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội và phải dồn trọng tâm chi tiêu cho hệ thống y tế, "bóng ma" suy thoái đang bao trùm khắp châu lục và đòi hỏi những kế hoạch hỗ trợ quy mô khổng lồ để phục hồi kinh tế.
  • Truy tìm “tổ tiên” của Covid-19
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Peter Daszak - người đứng đầu EcoHealth Alliance, tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên đi tìm virus mới để ngăn chặn đại dịch xảy ra và là người được mệnh danh là “Thợ săn virus” vừa có chuyến đi vào trong hang động tại Vân Nam (Trung Quốc) để tìm kiếm các mầm bệnh từ loài dơi-“tổ tiên” của virus Corona.
Nguy cơ lún sâu vào suy thoái