Thiệt hại hàng tỷ đô mỗi tuần vì Covid-19

(BKTO)- Tác động của dịch Covid-19 đang đẩy nền kinh tế của nhiều quốc gia vào cuộc suy thoái kỷ lục khi buộc phải áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với những dịch vụ không thiết yếu.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

   

Kinh tế Australia thiệt hại 2,6 tỷ USD mỗi tuần do giãn cách xã hội

Theo Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg, các biện pháp giãn cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 sẽ khiến Australia chịu thiệt hại khoảng 4 tỷ AUD (khoảng 2,6 tỷ USD) mỗi tuần, với tỷ lệ thất nghiệp tăng gần gấp đôi trong quý II/2020.

Tuy nhiên, tác động của dịch Covid-19 sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều nếu Australia "noi gương" châu Âu và áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với những dịch vụ không thiết yếu. Chẳng hạn, nếu áp đặt lệnh phong tỏa trong 8 tuần thì Australia có thể đối mặt với thiệt hại lên đến 120 tỷ AUD trong quý II/2020.

Trong một diễn biến khác, ngân hàng ANZ ngày 5/5 công bố kết quả khảo sát cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng ở Australia trong tuần qua tăng 5,3 điểm lên 89,5. Đây là tuần tăng thứ 5 liên tiếp của chỉ số này, cao hơn nhiều so với mức thấp kỷ lục 65,3 ghi nhận hồi cuối tháng 3/2020 do lo ngại về tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.

Cuộc khảo sát được thực hiện với 1.000 người tiêu dùng Australia cũng cho thấy, những người được hỏi tỏ ra lạc quan hơn về tình hình tài chính hiện tại của họ.

Trong khi đó, theo số liệu chính thức của Cục Thống kê Australia (ABS), gần một triệu người dân nước này đã mất việc làm kể từ khi chính phủ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Phân tích dữ liệu tiền lương của khoảng 10 triệu người lao động Australia tại cơ quan thuế, ABS ước tính số việc làm đã giảm 7,5% trong khoảng thời gian từ ngày 14/3 đến 18/4. Với một số người lao động có thể có hai việc làm trở lên, ABS ước tính có khoảng 650.000-700.000 người đã mất việc trong khoảng thời gian này.

Nếu tính cả những nhóm người lao động ngoài bảng lương nói trên, bao gồm các chủ doanh nghiệp, nhà thầu độc lập và những người kinh doanh tự do, có thể có khoảng một triệu trong tổng số 13 triệu người lao động Australia đã bị mất việc kể giữa tháng 3/2020.

ABS cho biết số lượng lao động giảm mạnh nhất trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống, với hơn 1/3 số nhân viên bị mất việc. Tiếp đến là các ngành như dịch vụ nghệ thuật và giải trí (với 27% số lao động mất việc làm); dịch vụ bất động sản (11%); quản trị và hỗ trợ (10%); nông-lâm-ngư nghiệp (9,5%).

Kinh tế Hong Kong ghi nhận mức giảm kỷ lục trong quý I

Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ngày 4/5 công bố báo cáo cho hay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I/2020 của đặc khu này đã giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm sâu hơn so với mức dự báo giảm 6,5% của thị trường.

Đây là mức giảm kỷ lục của kinh tế Hong Kong. Con số này vượt cả mức giảm kỷ lục trước đó là 8,3% ghi nhận trong quý III/1998. GDP quý I/2020 của Hong Kong cũng đã giảm 5,3% so với quý trước đó, ghi dấu quý giảm thứ ba liên tiếp của kinh tế đặc khu này.

Dịch Covid-19 tại Hong Kong bước đầu đã được kiểm soát và chính quyền tại đây chuẩn bị nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, Cục trưởng Tài chính Trần Mậu Ba trước đó dự báo rằng kinh tế Hong Kong vẫn sẽ tiếp tục chìm sâu vào suy thoái trước những tác động của tranh chấp thương mại Trung- Mỹ, các sự kiện xã hội tại Hong Kong và ảnh hưởng của dịch bệnh.Hiện Hong Kong đang trong giai đoạn tồi tệ hơn cả trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Tác động của tình trạng suy thoái kéo dài có thể dễ dàng nhận thấy ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hong Kong, khi họ vốn đã phải chịu ảnh hưởng từ làn sóng biểu tình từ năm ngoái và hiện nay là dịch Covid-19. Ba động lực tăng trưởng chính của kinh tế Hong Kong là xuất khẩu, tiêu thụ và đầu tư đều bị đình trệ.

Tỷ lệ thất nghiệp cũng gia tăng khi ngành du lịch, bán lẻ, vận tải và các ngành khác đang bị ảnh hưởng nặng nề. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Ba là 4,2%, mức cao nhất trong gần 9 năm qua.

Về triển vọng quý II/2020, ông Trần Mậu Ba cho rằng tình hình cũng chưa thể khởi sắc. Cho dù có sự cải thiện nhưng cũng sẽ rất chậm. Do dịch bệnh chưa được kiểm soát, xuất khẩu khó có thể được cải thiện, trong khi du lịch, đầu tư và thương mại quốc tế cũng khó có thể tăng nhanh trở lại. Theo ông, tác động lớn nhất đến nền kinh tế là tiêu dùng tư nhân, vì vậy chính quyền đặc khu sẽ tiếp tục tăng thêm khoản chi để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động. Nếu thời gian tới dịch bệnh trên toàn cầu có thể được kiểm soát, kinh tế Hong Kong mới có thể từng bước thoát khỏi khó khăn 6 tháng cuối năm nay.

Ông Ôn Gia Vĩ - chuyên gia kinh tế của ngân hàng Dah Sing cho rằng: sự sụt giảm trong quý I gần như nằm trong dự kiến, nhưng chi tiêu cá nhân giảm đến 10,2% là điều khá bất ngờ. Phân tích thêm chuyên gia này cho rằng hiện tại niềm tin tiêu dùng vẫn còn yếu và phải đến tháng 5/2020 mới có thể cải thiện.

Kinh tế Hong Kong dự kiến sẽ tiếp tục bị thu hẹp trong quý II/2020, với mức giảm có thể lên đến 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số người thất nghiệp tại Áo tăng lên mức cao nhất lịch sử

Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 là nguyên nhân khiến số người thất nghiệp tại Áo tăng lên mức cao trong lịch sử của nước này.

Cơ quan Việc làm Áo (AMS) ngày 4/5 công bố báo cáo cho biết trong tháng 4/2020, số người thất nghiệp ở nước này là 571.477 người, tăng 58% so với mức 361.202 người thất nghiệp cùng thời điểm năm ngoái.

Theo đánh giá của AMS, đây là tình trạng mất việc làm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 đã làm đình trệ mọi hoạt động kinh doanh và dịch vụ. Mọi ngành nghề, khu vực và mọi đối tượng lao động đều bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, ngành kinh doanh khách sạn và nhà hàng chịu tác động lớn nhất với số người mất việc làm tăng tới 130%, trong khi đó, số người mất việc làm trong ngành xây dựng tăng 98%.Tỷ lệ thất nghiệp của Áo tính đến cuối tháng 4/2020 là 12,8%, tăng từ mức 8,1% trong tháng 2/2020.

Từ giữa tháng Ba, Áo đã triển khai các biện pháp phỏng tỏa để hạn chế virus SARS-CoV-2 lây lan. Hiện nước này đang trong quá trình từng bước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.

Tính đến ngày 4/5, Áo ghi nhận 15.538 ca dương tính với SARS-CoV-2 và 600 ca tử vong trên cả nước.
NAM SƠN(Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Con đường bất ổn
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế của 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc rơi vào tình trạng gần như ngưng trệ. Nhiều chuyên gia dự báo chặng đường khôi phục kinh tế của 2 quốc gia này sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn.
  • Châu Âu- đòi hỏi những kế hoạch hỗ trợ kinh tế khổng lồ
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Châu Âu hiện là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Từ những tác động to lớn của các biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội và phải dồn trọng tâm chi tiêu cho hệ thống y tế, "bóng ma" suy thoái đang bao trùm khắp châu lục và đòi hỏi những kế hoạch hỗ trợ quy mô khổng lồ để phục hồi kinh tế.
  • Truy tìm “tổ tiên” của Covid-19
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Peter Daszak - người đứng đầu EcoHealth Alliance, tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên đi tìm virus mới để ngăn chặn đại dịch xảy ra và là người được mệnh danh là “Thợ săn virus” vừa có chuyến đi vào trong hang động tại Vân Nam (Trung Quốc) để tìm kiếm các mầm bệnh từ loài dơi-“tổ tiên” của virus Corona.
  • Kinh tế thế giới trong đại dịch
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Các quốc gia trên thế giới tiếp tục tung ra các biện pháp tài chính và gói cứu trợ khổng lồ nhằm cứu nền kinh tế trước đại dịch Covid-19.
  • Covid-19: Cơ hội để Trái đất hồi sinh
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Đại dịch Covid-19 đã mang đến vô vàn ảnh hưởng tiêu cực tới nhân loại cả về tính mạng và kinh tế. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, Đại dịch cũng mang đến những tia sáng cho thiên nhiên và bầu khí quyển. Trong lúc chúng ta bị kẹt ở nhà, thiên nhiên đã có một khoảng thời gian hiếm hoi để "nghỉ ngơi" và phục hồi.
Thiệt hại hàng tỷ đô mỗi tuần vì Covid-19