Nhà báo và những trăn trở với ngành kiểm toán

(BKTO) - Chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán, các nhà báo theo dõi hoạt động của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã nhắc đến những kỷ niệm tác nghiệp, những dấu ấn tốt đẹp và cả những điều còn băn khoăn, trăn trở…

z4434623055400_b1872b1573e91b585d9d3850c3878df2.jpg
Nhà báo Đào Hải Yến - Phòng Thời sự, Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nhà báo Đào Hải Yến - Phòng Thời sự, Truyền hình Quốc hội Việt Nam: Mong có cơ hội để hiểu thêm về nghề kiểm toán

Nhiều năm qua, KTNN đã tạo thuận lợi cho chúng tôi trong việc tiếp cận thông tin kiểm toán. Đây là những căn cứ rất quan trọng để các bài viết của chúng tôi sâu hơn, chất lượng hơn, đồng thời giúp khán thính giả có những thông tin sát thực hơn về quản lý tài chính công, tài sản công.

Ngành kiểm toán cũng là ngành tài chính nên có những thuật ngữ rất chuyên ngành mà chúng tôi không thể hiểu được. Nhưng rất may mắn, chúng tôi đã có nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo KTNN và đặc biệt, trong các cuộc Họp báo, chúng tôi đã được nghe lãnh đạo của KTNN giải đáp những thuật ngữ chuyên ngành đó. Điều này giúp chúng tôi có thể chuyển tải những thông tin về kiểm toán gần gũi hơn đến khán giả.

Nhiều người nói rằng ngành kiểm toán rất “khô” nhưng với phóng viên theo dõi chuyên ngành kinh tế như chúng tôi, nhờ tiếp xúc và tìm hiểu thông tin về kiểm toán, chúng tôi đã thu nhận được rất nhiều kiến thức, dữ liệu, tư liệu quan trọng. Qua đó, chúng tôi có cái nhìn bao quát hơn, đánh giá tốt hơn về công tác quản lý tài chính công, tài sản công, từ đó có thể đưa ra những luận cứ quan trọng nhất để góp phần sửa đổi chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đấy chính là lý do tại sao những phóng viên theo dõi KTNN như chúng tôi rất yêu ngành kiểm toán.

Chúng tôi mong, thời gian tới, ngành kiểm toán sẽ tạo thuận lợi để chúng tôi được tiếp cận nhiều hơn, có thể theo chân đoàn kiểm toán để phản ánh những câu chuyện sâu hơn, đời hơn. Từ đó, khán thính giả có thể hiểu hơn về kiểm toán viên nhà nước đã khó khăn, vất vả như thế nào để có được những báo cáo kiểm toán với nhiều thông tin giá trị, phục vụ cho việc quản lý nhà nước và sửa đổi pháp luật nhanh hơn, kịp thời hơn…

z4434623075472_9fcb481081bbd2f4314d6548445cf4ca.jpg
Nhà báo Nguyễn Dũng - Báo Tiền Phong

Nhà báo Nguyễn Dũng - Báo Tiền phong: Viết đúng và dễ hiểu về kiểm toán là thách thức đối với phóng viên

Thời gian gần đây, các kết luận kiểm toán đã được đưa lên Cổng thông tin điện tử của KTNN. Phóng viên theo dõi nghị trường nói chung và phóng viên Báo Tiền phong nói riêng đã khai thác triệt để những nội dung này. Bên cạnh đó, các kết luận kiểm toán (những kết luận mang tính tổng hợp gửi Quốc hội) cũng được các đại biểu Quốc hội lấy đó làm cơ sở đáng tin cậy để tham khảo, phục vụ hoạt động giám sát.

Vấn đề được đặt ra ở đây là: Liệu như thế đã đủ chưa? Tôi cho rằng như thế là chưa đủ, bởi nhu cầu thông tin của độc giả cũng như nhu cầu về giám sát ngày càng cao hơn.

Tại các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội nhiều lần đề cập đến vấn đề phải công khai nhiều hơn nữa các kết luận kiểm toán. Đây cũng là mong muốn của phóng viên theo dõi, đưa tin về hoạt động của KTNN.

1 năm, KTNN thực hiện khoảng 200 cuộc kiểm toán, ngoài các cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng (được công khai kết quả), KTNN có thể lựa chọn 10% trong tổng số 200 cuộc kiểm toán (20 cuộc) để công bố rộng rãi thông tin cho công chúng trên Cổng thông tin điện tử của KTNN.

Khi đó, các thông tin sẽ được các phóng viên theo dõi hoạt động kiểm toán khai thác triệt để. Như vậy, điều này sẽ phục vụ rất hiệu quả công tác giám sát cũng như phục vụ mục tiêu của KTNN. Một trong những mục tiêu quan trọng của KTNN là kiểm toán công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đây cũng là vấn đề Quốc hội, báo chí và người dân đều rất quan tâm.

Một trong những điều khó khăn nhất đối với những người theo dõi và đưa tin về hoạt động kiểm toán là thông tin kiểm toán có nhiều thuật ngữ chuyên môn. Các con số kiểm toán mang tính khoa học rất cao. Bởi vậy, với phóng viên, mỗi lần đọc các thông tin kiểm toán như một lần giải mã. Tất nhiên, người làm báo không thể đưa tin một cách cứng nhắc, yêu cầu đặt ra cho phóng viên theo dõi lĩnh vực này là không những viết đúng mà còn dễ hiểu.

Người làm báo không thể đọc các kết luận kiểm toán giỏi như người có chuyên môn về kiểm toán. Vì vậy, KTNN nên tổ chức tập huấn cho những phóng viên theo dõi Ngành để họ viết đúng và dễ hiểu, qua đó giúp người dân cũng như cử tri dựa vào đó để giám sát.

z4434623132386_51f28a898916412f83d5e41cbc87e3be.jpg
Nhà báo Đỗ Bình - Ban Tin túc, Thông tấn xã Việt Nam

Nhà báo Đỗ Bình - Ban Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam: Tạo điều kiện cho phóng viên khai thác nhiều hơn kết quả kiểm toán

Là phóng viên theo dõi và đưa tin về KTNN, nhiều năm qua, tôi thấy KTNN rất chuyên nghiệp trong việc tổ chức cũng như phối hợp với các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền về hoạt động của Ngành.

Một trong những nội dung rất hiệu quả là việc cung cấp tài liệu cho phóng viên khi có những sự kiện liên quan đến hoạt động kiểm toán. Tôi vẫn nhớ cách đây 5 năm, khi chúng tôi tham dự và đưa tin về Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14, đội ngũ phóng viên đã được tạo điều kiện rất thuận lợi để tác nghiệp, từ hệ thống máy móc đến mạng internet, cung cấp tài liệu, dịch thuật tài liệu và phát biểu của các chuyên gia nước ngoài.

Đặc biệt, sau thời gian dài phối hợp tuyên truyền, tôi đánh giá cao đội ngũ làm công tác truyền thông, báo chí của KTNN, họ không chỉ vững vàng về nghiệp vụ báo chí mà còn nắm chắc những thông tin mang tính chuyên ngành trong lĩnh vực kiểm toán. Vì vậy, việc trao đổi thông tin giữa KTNN và đội ngũ phóng viên đạt hiệu quả rất cao.

Tôi được biết, hằng năm, KTNN thực hiện rất nhiều cuộc kiểm toán, trong đó có nhiều chuyên đề lớn liên quan đến các lĩnh vực, vấn đề nóng được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và người dân quan tâm. Tuy nhiên, việc phóng viên, báo chí tiếp cận thông tin về kết luận và kiến nghị kiểm toán vẫn còn hạn chế. Vì vậy, tôi mong rằng, thời gian tới, KTNN tạo điều kiện hơn nữa để đội ngũ phóng viên được khai thác nhiều hơn kết quả kiểm toán, từ đó cung cấp thông tin nhanh nhất, chính xác nhất cho công chúng. Đồng thời, đây cũng là cách tuyên truyền hiểu quả nhất về vai trò, vị thế của KTNN.

Ngoài ra, nếu có thể, phóng viên cũng rất muốn được theo chân các đoàn kiểm toán để có được những thông tin khách quan, xây dựng tuyến bài chất lượng, phản ánh rõ nét và chân thực những nhiệm vụ, công việc mà kiểm toán viên nhà nước đang làm cũng như vai trò quan trọng của KTNN trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí vì một nền tài chính quốc gia minh bạch.

2024 là năm kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN. Chúng tôi rất muốn được tuyên truyền đậm nét về sự kiện quan trọng này. Vì vậy, tôi mong rằng KTNN sẽ sớm ban hành kế hoạch tuyên truyền chi tiết, cụ thể về chuỗi sự kiện của KTNN và gửi cho phóng viên các cơ quan báo chí. Đây là cơ sở quan trọng để phóng viên chủ động theo dõi và tiếp cận thông tin, từ đó hình thành kế hoạch tuyên truyền hiệu quả./.

Cùng chuyên mục
Nhà báo và những trăn trở với ngành kiểm toán