Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - hạt nhân của Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia

(BKTO) - Sự lớn mạnh không ngừng sau 15 năm phát triển của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất chính là một trong những cơ sở quan trọng dẫn tới chủ trương hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.

dq(1).jpg
NMLD Dung Quất. Ảnh: ST

NMLD Dung Quất phát triển nhanh và bền vững

Nhớ lại thời điểm năm 2006, NMLD Dung Quất còn đang xây dựng nhưng đã góp phần nâng tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi tăng lên cao nhất với 35,6%.

Năm 2022, trong tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi ước đạt 34.405 tỷ đồng thì riêng Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý, vận hành NMLD Dung Quất - đã đóng góp hơn 19.000 tỷ đồng, chiếm hơn 54% tổng thu ngân sách của tỉnh, giúp Quảng Ngãi vươn lên xếp thứ 2 trong 14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ về thu ngân sách và đứng thứ nhất trong 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Sau 15 năm phát triển, đến nay, BSR đã sở hữu đội ngũ nhân sự hơn 1.500 người với trình độ cao, chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Thời điểm này, tại BSR chỉ còn khoảng 10 chuyên gia nước ngoài (trong khi cao điểm trước kia lên tới 200 chuyên gia). Cùng với đó, có 17 nhân sự người Việt Nam được công nhận là chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực lọc hóa dầu đang làm việc tại BSR.

ld-2-(1).jpeg
Đội ngũ người Việt Nam đã làm chủ công nghệ lọc hóa dầu. Ảnh: BSR

Nguồn nhân lực của BSR được đánh giá là phát triển vững mạnh, khẳng định những con người Việt Nam đã làm chủ công nghệ lọc hóa dầu, một trong những điều kiện cần thiết để hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.

Hơn nữa, theo phân tích của các chuyên gia, sau nhiều năm hoạt động, NMLD Dung Quất đã có những tác động cụ thể đến nền kinh tế miền Trung như: phát triển kinh tế; phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển liên kết ngành, liên kết vùng; tác động trong các lĩnh vực du lịch, thương mại dịch vụ, logistics, vận tải hàng hóa và kinh tế biển, công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ gắn với các sản phẩm lọc hóa dầu nói riêng; thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Thêm vào đó, Chính phủ đã chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất - tạo tiền đề cho việc hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia.

Hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia

Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được coi là “kim chỉ nam” để các Bộ, ngành, địa phương định hướng việc cơ cấu lại ngành công nghiệp, ưu tiên và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế.

Đặc biệt, Nghị quyết 26-NQ/TW nêu rõ: “Mở rộng và xây dựng Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất”.

Đây là một quyết sách rất quan trọng của Bộ Chính trị đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi. Việc xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia ở đây sẽ tạo đòn bẩy mới cho sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi với hạt nhân là NMLD Dung Quất.

rfcc(1).jpg
Phân xưởng RFCC của NMLD Dung Quất. Ảnh: BSR

Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi xác định sẽ tập trung hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty BSR triển khai thực hiện Dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất.

Bởi Dự án có vai trò quan trọng trong việc nâng tổng công suất chế biến, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu chế biến để bảo đảm nguồn cung ổn định, lâu dài, giúp tối ưu hóa chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh và nâng cao tiêu chuẩn môi trường của sản phẩm (EURO V); ổn định Nhà máy Sản xuất nhựa Polypropylene Dung Quất và tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ NMLD Dung Quất đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ lệ các sản phẩm hóa dầu.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng Đề án Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia Dung Quất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn chưa hoàn thành đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, đưa vào quy hoạch, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Trong khi đó, việc sớm hình thành Đề án Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất sẽ giúp cho việc nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất có cơ sở triển khai thực hiện các công việc liên quan, phù hợp với “hệ sinh thái” lọc hóa dầu.

Theo các chuyên gia, để hình thành Trung tâm này, cần tập trung mọi nguồn lực triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất và các dự án hóa dầu, sau hóa dầu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của các nhà máy, kéo dài chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần khẳng định sự phát triển bền vững ngành Dầu khí Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một vấn đề cần quan tâm là kể từ khi đi vào hoạt động đến nay (2009-2022), NMLD Dung Quất đã nộp ngân sách Trung ương khoảng 207 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, trong giai đoạn này, ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ 1.583 tỷ đồng (khoảng 0,9%) để đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất.

Ông Hà Hoàng Việt Phương - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi cho biết: “Hệ thống hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp”.

Do đó, cần có chủ trương hỗ trợ có mục tiêu ngân sách Trung ương từ nguồn thu của NMLD Dung Quất để đầu tư cơ sở hạ tầng và giải quyết an sinh xã hội giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo - ông Việt Phương đề xuất./.

Cùng chuyên mục
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - hạt nhân của Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia