Nhà nước định giá sách giáo khoa: Cần xem xét thận trọng

(BKTO) - Tại Phiên họp thứ 46 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định chưa bổ sung sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa. Bên cạnh lý do không đúng thẩm quyền của UBTVQH, các ý kiến đều nhấn mạnh yêu cầu cần xem xét thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng tác động khi quyết định vấn đề này.




Cần xem xét thận trọng việc bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa. Ảnh minh họa

Kiểm soát tình trạng tăng giá sách giáo khoa bất hợp lý

Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, thực tế tiếp nhận kê khai SGK theo quy định của Luật Giá thời gian qua cho thấy, mục tiêu điều tiết về giá SGK không thực sự có hiệu quả. Việc triển khai đổi mới SGK phổ thông theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 cho phép nhiều nhà xuất bản tham gia in ấn, phát hành, không còn dư luận về độc quyền xuất bản SGK như trước đây. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà xuất bản. Đặc biệt, qua so sánh ba phương án đã kê khai của SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới với Bộ Tài chính năm học 2020-2021 với các cuốn SGK kê khai giá của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm 2019 thì cùng một quyển SGK có thể dẫn đến mặt bằng giá cao hơn khoảng hơn 2 lần.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, việc đưa SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tối đa sẽ kiểm soát được tình trạng các DN tăng giá bất hợp lý hoặc tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến an sinh - xã hội, đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội; tạo sự công khai, minh bạch về giá SGK. Đồng thời, đây cũng sẽ là công cụ để thực hiện điều tiết giá đối với mặt hàng SGK, đảm bảo nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Các nhà xuất bản quy định mức giá bán cụ thể nhưng không cao hơn giá tối đa (giá trần) do Nhà nước quy định; từ đó khắc phục được những điểm yếu của việc kê khai giá SGK hiện nay.

Đối với các nhà xuất bản, việc Nhà nước điều tiết giá SGK sẽ thúc đẩy DN hoạt động hiệu quả, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh, ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh bằng cách tăng chi phí bán hàng, tăng giá bán làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng; góp phần đảm bảo sự công bằng giữa các nhà xuất bản. Trong khi đó, người tiêu dùng sẽ được tiếp cận sách với giá hợp lý; phụ huynh và học sinh yên tâm, tin tưởng trong việc lựa chọn SGK.

Cần đánh giá kỹ tác động

Quan điểm của Chính phủ chưa nhận được sự đồng tình của các thành viên UBTVQH. Từ góc độ cơ quan thẩm tra, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc Chính phủ trình UBTVQH bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa là chưa phù hợp với mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết số 88 là xã hội hóa việc biên soạn SGK và trái với nguyên tắc thị trường, chưa phù hợp với quy định của Luật Giá.

Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích, Luật Giá quy định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải đảm bảo các nguyên tắc: Thứ nhất, là hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền của Nhà nước sản xuất, kinh doanh thì trong trường hợp này SGK không phải hàng độc quyền. Thứ hai, phải là tài nguyên quan trọng. Thứ ba, phải là hàng dự trữ quốc gia hay sản phẩm dịch vụ công ích và dịch vụ công mà sử dụng NSNN. Trong khi đó, SGK không phải là dịch vụ công ích, cũng không phải dịch vụ công sử dụng NSNN mà đó là sản phẩm. Mặt khác, nếu trong trường hợp Nhà nước định giá mà giá của các nhà xuất bản cao hơn thì Nhà nước có trợ giá không, có dùng ngân sách không cũng là vấn đề đặt ra. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần đánh giá rõ tác động của vấn đề này.

Khẳng định việc Nhà nước định giá tối đa với SGK là cần thiết để không ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nhân dân, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ, SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới tăng thêm bao nhiêu tiền, ảnh hưởng đến đời sống người dân như thế nào.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm, chúng ta đã đi được một quá trình rất dài trong việc thay đổi các chính sách về giá, bây giờ quay lại với những quy định chưa phù hợp với kinh tế thị trường thì phải tính toán thật kỹ chứ không đơn giản là muốn đưa vào kiểm soát là kiểm soát.

Trên cơ sở xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, UBTVQH thống nhất quan điểm, UBTVQH không thể quyết định giá của mặt hàng không nằm trong nhóm những mặt hàng đã được Luật Giá quy định. Do đó, đề nghị Chính phủ đánh giá, rà soát lại, có cái nhìn căn cơ, tổng thể, hoàn chỉnh lại hồ sơ về nội dung này. Nếu thấy vấn đề này là cần thiết, cấp bách thì phải đánh giá và báo cáo với Quốc hội ban hành nghị quyết hoặc phải sửa lại Luật Giá. “Tác động của vấn đề này rất lớn, không thể quyết định một cách vội vã” - Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển một lần nữa nhấn mạnh.

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
  • Giáo viên được nghỉ hè 8 tuần
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục. Theo đó, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
  • Phát huy hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cho ý kiến về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 46 vừa qua, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước trong Dự thảo Luật. Đặc biệt, vấn đề làm thế nào để phát huy hiệu quả của Quỹ được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra.
  • Giảm sử dụng thuốc biệt dược gốc để tiết kiệm chi phí
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Với mục tiêu đảm bảo nguồn thuốc chất lượng tốt phục vụ khám, chữa bệnh với chi phí hợp lý, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp giảm sử dụng thuốc biệt dược gốc, đồng thời tăng cường sản xuất thuốc trong nước nhằm tiết kiệm chi phí từ Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) và chi phí của người dân.
  • Tín hiệu tích cực trong công tác phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Chỉ trong 02 ngày triển khai Lễ ra quân hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam với chủ đề “Cả nước chung tay thực hiện bảo hiểm xã hội, BHYT toàn dân” (từ ngày 11-12/7), nhiều tỉnh, thành phố đã vận động, thu hút được hàng nghìn người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
  • Số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tăng mạnh
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- 30.269 người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, 58.803 người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình là số liệu vừa được BHXH Việt Nam công bố sau 2 ngày triển khai “Lễ ra quân hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam - Tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” (từ ngày 11-12/7/2020).
Nhà nước định giá sách giáo khoa: Cần xem xét thận trọng