Phát huy hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước

(BKTO) - Cho ý kiến về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 46 vừa qua, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước trong Dự thảo Luật. Đặc biệt, vấn đề làm thế nào để phát huy hiệu quả của Quỹ được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra.




Vấn đề phát huy hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: P.Tuân

Quy định rõ tính chất của Quỹ

Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, một số đại biểu Quốc hội tán thành việc duy trì Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước và đề nghị cần quy định cụ thể hơn về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch trong thu, chi, sử dụng. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị làm rõ đây là quỹ ngoài ngân sách nhưng lại là đơn vị sự nghiệp công lập, làm rõ về mục tiêu, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ...

Giải trình vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng là lĩnh vực rất đặc thù nên Luật năm 2006 đã quy định về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, nhằm hỗ trợ người lao động (NLĐ) và DN dịch vụ khắc phục rủi ro trong quá trình làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ việc duy trì và phát triển thị trường... Trên thực tế, Quỹ cũng đã phát huy tác dụng nhất định. Tại Dự thảo Luật lần này cũng đã bổ sung nhiều nội dung hỗ trợ từ Quỹ đối với các hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần nâng cao, phát huy hơn hiệu quả của Quỹ. Đồng thời, Dự thảo Luật đã quy định rõ tính chất của quỹ ngoài ngân sách, nhằm hướng đến mục tiêu hỗ trợ NLĐ, DN. Do đó, việc tiếp tục duy trì Quỹ này là cần thiết.

Cơ quan thẩm tra cũng nhận thấy, Quỹ này do NLĐ, DN đóng góp là chính, không sử dụng hỗ trợ từ NSNN nên việc xác định Quỹ là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) là chưa thực sự phù hợp. Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng bỏ quy định Quỹ là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Đồng thời, giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ để tăng tính đại diện, đảm bảo khách quan trong Hội đồng Quản lý Quỹ; mức chi phí quản lý Quỹ; mức chi các hoạt động hỗ trợ từ Quỹ và có cơ chế linh hoạt trong việc tiếp nhận đề nghị cũng như thực hiện việc hỗ trợ kịp thời cho DN, NLĐ, nhất là khi NLĐ gặp rủi ro ở nước ngoài.

Tập trung hỗ trợ rủi ro cho người lao động

Góp ý về quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng tán thành việc duy trì Quỹ. Tuy nhiên, từ thực tế giám sát Quỹ, ông Hải cho rằng, thời gian qua, mục tiêu cũng như tác dụng của Quỹ chưa được phát huy. Còn tại Dự thảo Luật lần này, quy định về mục tiêu của Quỹ quá rộng và sẽ dẫn đến trùng lặp nhiệm vụ chi của DN và của ngành LĐ-TB&XH. Cụ thể, DN và NLĐ đóng vào Quỹ này sẽ trùng lặp những nhiệm vụ mà Nhà nước và các tổ chức dịch vụ phải làm. Khi đi lao động ở nước ngoài, NLĐ đã phải đóng một khoản phí dịch vụ, trong đó có đào tạo, hỗ trợ nghề, dạy ngoại ngữ... do đó, Quỹ không nên đặt mục tiêu đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề cho NLĐ hoặc hỗ trợ tuyên truyền vì sẽ trùng lặp với nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH. “Để đáp ứng được tất cả những nhiệm vụ này thì cần quy định Quỹ ở mức cao, tuy nhiên, nếu mức cao không hợp lý, vô tình sẽ tạo thêm một khoản phải đóng góp, tạo thêm sức ép cho NLĐ” - ông Hải phân tích và đề nghị rà soát, quy định gọn lại các mục tiêu cần thiết của Quỹ, tập trung vào việc giải quyết các trường hợp rủi ro, phức tạp trong hợp đồng lao động, biến động thị trường… để phát huy tác dụng của Quỹ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đề nghị, trong quy định của Thủ tướng Chính phủ, cần cụ thể hóa cơ chế phối hợp sử dụng Quỹ giữa các cơ quan, trong đó có cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, để khi xảy ra sự cố hay việc cần phải bảo hộ công dân thì có sự linh hoạt để sử dụng Quỹ này kịp thời, triển khai việc bảo hộ tốt nhất cho công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng quan điểm, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, tổng kết thực tế cho thấy, việc thực hiện nhiệm vụ bảo hộ cho NLĐ ở nước ngoài là rất khó khăn. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần ban hành văn bản cụ thể quy định vấn đề này để thực hiện hỗ trợ cho NLĐ ở nước ngoài khi mà họ rơi vào những tình huống như bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật mà phải về nước trước thời hạn; hoặc trong trường hợp xảy ra thiên tai, địch họa, các vấn đề dịch bệnh mà phải đưa NLĐ về nước, thì thủ tục, trình tự như thế nào để đảm bảo thực chất, nhanh chóng, giúp cho NLĐ một cách thiết thực, hiệu quả. Bởi nếu không được giải quyết kịp thời, khi về nước NLĐ mới nhận được khoản hỗ trợ thì sẽ không mang ý nghĩa lớn.


Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
  • Giảm sử dụng thuốc biệt dược gốc để tiết kiệm chi phí
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Với mục tiêu đảm bảo nguồn thuốc chất lượng tốt phục vụ khám, chữa bệnh với chi phí hợp lý, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp giảm sử dụng thuốc biệt dược gốc, đồng thời tăng cường sản xuất thuốc trong nước nhằm tiết kiệm chi phí từ Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) và chi phí của người dân.
  • Tín hiệu tích cực trong công tác phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Chỉ trong 02 ngày triển khai Lễ ra quân hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam với chủ đề “Cả nước chung tay thực hiện bảo hiểm xã hội, BHYT toàn dân” (từ ngày 11-12/7), nhiều tỉnh, thành phố đã vận động, thu hút được hàng nghìn người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
  • Số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tăng mạnh
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- 30.269 người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, 58.803 người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình là số liệu vừa được BHXH Việt Nam công bố sau 2 ngày triển khai “Lễ ra quân hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam - Tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” (từ ngày 11-12/7/2020).
  • Bảo hiểm xã hội vượt qua khó khăn, thực hiện hiệu quả mọi nhiệm vụ
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Sáu tháng đầu năm nay, BHXH Việt Nam đã luôn chủ động, bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra.
  • Chú trọng công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm những tháng cuối năm
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Nhằm tiếp tục phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và phát triển bền vững BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam đã vạch ra kế hoạch nhằm tập trung thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm 6 tháng cuối năm 2020.
Phát huy hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước