Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Mất đi nguồn tích lũy tài chính cho tuổi già

(BKTO) - Nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, người lao động sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để đảm bảo cuộc sống và sức khỏe khi về già - độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe, nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro, dịch bệnh như hiện nay. Đây là vấn đề không mới nhưng tiếp tục được BHXH Việt Nam đưa ra cảnh báo, trước tình trạng gần đây người lao động hưởng BHXH một lần gia tăng nhanh.



Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần gia tăng nhanh chóng

Đời sống khó khăn do dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người lao động đã đề nghị hưởng BHXH một lần để có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống; đồng thời, một số ít người vì lợi ích trước mắt, muốn rút BHXH một lần để có luôn một khoản “tiền tươi”... Thực trạng đó khiến số người lao động nghỉ hưởng BHXH một lần, đặc biệt vào thời gian gần đây tăng lên nhanh chóng.

BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 700.000 người hưởng BHXH một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.

Cơ quan BHXH phân tích, theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào Quỹ Hưu trí và tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào Quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.
                
   

Người lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng việc hưởng BHXH một lần để dành tích lũy cho tuổi già. Ảnh: THU NGUYỆT

   

Nếu quyền lợi được đặt lên “bàn cân” thì chính sách BHXH đem lại cho người lao động những lợi ích mà không có khoản tiết kiệm nào có thể so sánh được. Hiện tại, đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc, mức đóng vào Quỹ BHXH bằng 25% mức tiền lương hằng tháng của người lao động, trong đó, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%. Ví dụ, nếu tiền lương của người lao động là 5 triệu/tháng thì Quỹ BHXH thu 1.250.000 đồng. Trong đó, người lao động đóng 400.000 đồng (32% tổng Quỹ), người sử dụng lao động đóng 850.000 đồng (68% tổng Quỹ). Vì vậy, khi tham gia BHXH với việc bỏ ra số tiền 8% tiền lương hằng tháng (32% tổng Quỹ), người lao động được hưởng những lợi ích từ nguồn Quỹ này bao gồm các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Chỉ tính riêng mức lương hưu tối đa, người lao động nhận được với mức tiền lương đóng 5 triệu đồng/tháng là 3.750.000 đồng/tháng cũng đã lớn hơn rất nhiều số tiền mà người lao động phải bỏ ra là 400.000 đồng/tháng.

Với người lao động tự do, khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động được lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện của mình, mức thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng). Như vậy, với tỷ lệ đóng hằng tháng 22%, thì số tiền đóng mỗi tháng tương đương với 138.600 đồng (Nhà nước đã hỗ trợ 10%), nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu khi đến tuổi có thể đạt đến 75% bình quân mức đóng. Ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ BHYT có mức hưởng 95% khi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Bên cạnh đó, người thân, người chăm lo cho người tham gia BHXH còn được hưởng chế độ tuất khi người tham gia BHXH qua đời.

Sửa đổi chính sách về bảo hiểm xã hội một lần

Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp khi đã nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về BHXH chưa quy định về trường hợp này. Vì vậy, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH một lần. Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là có nguồn tài chính ổn định từ lương hưu hằng tháng khi về già, được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu. Muốn vậy, người lao động hãy tích lũy, tham gia BHXH ngay khi còn trẻ. Nếu ở thời điểm khó khăn không thể đóng tiếp BHXH, người lao động có quyền bảo lưu và sau đó đóng tiếp (bằng cách tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện) để đủ điều kiện nhận lương hưu và được cấp thẻ BHYT giúp chăm sóc sức khỏe khi về già.

Ở góc độ chính sách, nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, cần sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương đã đề ra. Theo đó, sẽ thắt chặt thủ tục hưởng BHXH một lần; cải cách thủ tục hành chính để bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng; có sự chia sẻ của các thế hệ người lao động tham gia BHXH. Đồng thời, cần sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần…

Là cơ quan thực hiện chính sách, ngành BHXH Việt Nam cũng luôn chú trọng công tác tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất của người lao động, để người lao động hiểu bản chất của BHXH là trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội nhằm giúp người lao động yên tâm. Quỹ Hưu trí, tử tuất luôn luôn được bảo toàn, tăng trưởng, được Nhà nước bảo hộ nên người nghỉ hưu luôn được điều chỉnh nâng tiền lương hưu hằng năm và đây là phần để dành tích luỹ cho tuổi già của người lao động.
KIM AN





Cùng chuyên mục
  • Phục hồi thị trường lao động: Các chính sách hỗ trợ đóng vai trò quan trọng
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong số rất nhiều giải pháp phục hồi thị trường lao động do các nhà quản lý và chuyên gia đề xuất gần đây, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, DN vẫn là nhóm chính sách được đề cập nhiều. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của các chính sách này.
  • Đến năm 2025, tối thiểu 70% các bệnh viện đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đến năm 2025, tối thiểu 70% các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được 100% danh mục kỹ thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng…
  • Tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 18/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và Bế giảng Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021.
  • Người thầy trong thời đại hội nhập 4.0
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tác động nặng nề và được dự báo ảnh hưởng lâu dài đến các hoạt động kinh tế - xã hội, song với tinh thần sẵn sàng các nguồn lực phục vụ cho giai đoạn phục hồi, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang chủ động trong việc đổi mới đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng nghề cho người lao động bắt đầu từ đội ngũ nhà giáo.
  • Việt Nam ghi nhận 9.849 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) – Tối 17/11, Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 16/11 đến 16h ngày 17/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.849 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 9.839 ca ghi nhận trong nước (tăng 198 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 4.956 ca trong cộng đồng).
Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Mất đi nguồn tích lũy tài chính cho tuổi già