Nhiều Bộ, ngành, địa phương vào cuộc giải ngân vốn năm 2024

(BKTO) - Ngay từ những ngày đầu năm 2024, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC).

dtc-2212.jpg
Bộ Tài chính đề nghị khẩn trương phân bổ vốn và nhập Tabmis. Ảnh: ST

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11/12/2023 về việc giao kế hoạch vốn ĐTC năm 2024, với tổng số tiền 677.349 tỷ đồng (bằng 95% kế hoạch vốn ĐTC năm 2023).

Bộ Tài chính đề nghị khẩn trương phân bổ vốn và nhập Tabmis

Để đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn này ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm, Bộ Tài chính vừa có công văn đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương phân bổ, nhập dự toán Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024.

Tại công văn, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết vốn kế hoạch ĐTC cho từng nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện giao vốn theo quy định của pháp luật về ĐTC và các quy định của Chính phủ; gửi Bộ Tài chính làm cơ sở để thực hiện kiểm tra việc phân bổ và thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024.

Đồng thời Bộ Tài chính cho biết, hiện đã triển khai nhập Tabmis năm 2024 từ cấp 0 xuống cấp 1 cho các Bộ, cơ quan trung ương; đồng thời đang triển khai nhập Tabmis năm 2024 từ cấp 0 xuống cấp 4 cho các địa phương.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương nhập dự toán trên Tabmis đảm bảo theo đúng thời gian đã quy định để cơ quan tài chính có cơ sở phê duyệt, đảm bảo dự toán giải ngân cho các dự án.

Để việc giải ngân vốn ĐTC năm 2024 được thuận lợi, Bộ Tài chính đã yêu cầu Kho bạc Nhà nước (KBNN) tăng cường việc nhận và gửi hồ sơ làm cơ sở kiểm soát, thanh toán theo hình thức trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của KBNN. KBNN thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau”.

KBNN cho biết, để rút ngắn thời gian thanh toán vốn, KBNN đã tập trung đẩy mạnh giao dịch qua Dịch vụ công trực tuyến. Trung bình 1 ngày, hệ thống dịch vụ công trực tuyền của kho bạc xử lý từ 200 nghìn đến 250 nghìn hồ sơ, nhưng tại thời điểm tháng 12/2023 và trong tháng 01/2024, trung bình 1 ngày hệ thống dịch vụ công trực tuyến xử lý 600 nghìn hồ sơ.

KBNN đã bố trí lực lượng cán bộ công chức đảm bảo thời gian thanh toán cho những khoản thanh toán trước, kiểm soát sau trong 1 ngày và trong 3 ngày cho những khoản kiểm soát trước, thanh toán sau và thanh toán lần cuối…

dtc-2211.jpg
Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân đầu tư công năm 2024. Ảnh: ST

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu khẩn trương giải ngân vốn đầu tư công năm 2024

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng vừa ban hành Chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các cơ quan tham mưu có liên quan của bộ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao nhất, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, đồng lòng trong thực hiện nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024.

Cụ thể, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương triển khai phân khai dự toán chi theo kế hoạch được giao cho các dự án theo đúng tiến độ yêu cầu; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục thanh toán với KBNN khi có khối lượng được nghiệm thu; kịp thời thực hiện ghi thu, ghi chi vốn ODA và vay ưu đãi đã thực hiện với KBNN; xử lý nghiêm cán bộ, phòng, ban không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán.

Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị trên lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý, xác định “đường găng” giải ngân đối với từng dự án, báo cáo Bộ trong tháng 01/2024 làm cơ sở cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của đơn vị.

Chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn đối với các dự án khởi công mới, đặc biệt đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022; thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện - giải ngân của từng dự án/gói thầu để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất biện pháp xử lý.

Các đơn vị trực thuộc Bộ theo dõi chặt chẽ kết quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư của từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoàn thiện hồ sơ quyết toán và chủ trì tham mưu quyết toán các dự án hoàn thành, làm cơ sở giải ngân đối với phần vốn chờ quyết toán…

Nhiều địa phương đã vào cuộc

Xác định ĐTC là động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng, là vốn mồi thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tại các địa phương, công tác giải ngân vốn ĐTC cũng đang được các cấp lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt.

Tỉnh Đồng Nai - địa phương thuộc 10 tỉnh, thành có nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho các công trình, dự án lớn nhất cả nước với 15 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024.

Để sử dụng hết nguồn vốn trên cho các công trình, dự án thuộc địa bàn tỉnh, ngay ngày làm việc đầu năm 2024, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã yêu cầu các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư ký cam kết chủ động giải quyết nhanh những khó khăn, vướng mắc của từng dự án để đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch từng quý.

Đồng thời, người đứng đầu các đơn vị, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm nếu không giải ngân vốn đầu tư công của năm 2024 đạt kế hoạch năm.

Tỉnh Khánh Hòa được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn ĐTC năm 2024 trên 7.669 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ chi tiết trên 5.386 tỷ đồng.

Để không bị động và không dồn việc giải ngân vốn ĐTC vào cuối năm, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa đôn đốc, nhắc nhở chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đối với phần vốn chưa được giao; giữ lại một phần vốn địa phương để phòng các tình huống phát sinh; tham mưu phân bổ nguồn vốn, tránh tình trạng dồn vào cuối năm, nếu không kịp điều chuyển thì phải tìm hướng để điều chuyển phù hợp, đúng quy định.

Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải làm việc với địa phương để thống nhất tiến độ giải phóng mặt bằng, sau đó gửi UBND tỉnh để có lịch làm việc cụ thể. Sở Tư pháp nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh về cơ sở pháp lý cho việc tách công tác giải phóng mặt bằng và xây lắp trong 1 dự án thành 2 hợp phần riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giải ngân vốn ĐTC…/.

Cùng chuyên mục
Nhiều Bộ, ngành, địa phương vào cuộc giải ngân vốn năm 2024