Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tạo ra cơ hội cho nông sản Việt tăng lượng xuất khẩu vào Mỹ- Ảnh minh họa |
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,6 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là các thị trường như EU đạt 27,7 tỷ USD, giảm 0,5%; Trung Quốc đạt 23,8 tỷ USD, giảm 2,5%...
Điểm dễ nhận thấy là, tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt.
Cụ thể, xuất khẩu sang Nhật Bản 8 tháng đầu năm đạt 13,39 tỷ USD, tăng 9,9%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 12,56 tỷ USD, tăng 5,3%; xuất khẩu sang ASEAN đạt 17,3 tỷ USD, tăng 3,7%; xuất khẩu sang Nga đạt 1,92 tỷ USD, tăng 14,2%...
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, xuất khẩu sang Canada 8 tháng đầu năm đạt 2,59 tỷ USD, tăng 31,3%; xuất khẩu sang Mexico đạt 1,85 tỷ USD, tăng 20,9%.
Theo thống kê cho thấy, Canada đang là thị trường có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất của Việt Nam với mức tăng lên tới hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2018.
2019 là một năm có nhiều biến động trong quan hệ thương mại giữa các nước lớn trên thế giới, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, gây tác động không nhỏ tới xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. Từ nay đến hết năm, bên cạnh nhiều yếu tố “cản chân” xuất khẩu, cũng có những yếu tố thuận lợi, có thể hỗ trợ xuất khẩu.
Bộ Công Thương đánh giá, những tháng cuối năm sẽ là giai đoạn cao điểm cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất, đặc biệt là nhóm hàng điện tử tiêu dùng (điện thoại, tivi,...) khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Các dòng sản phẩm điện thoại của Samsung dự kiến ra mắt vào quý III/2019 sẽ hỗ trợ cho ngành sản xuất điện thoại và linh kiện trong khi giai đoạn Lễ Tạ ơn và Giáng sinh (quý IV) là cao điểm cho mua sắm tiêu dùng.
Riêng đối với thị trường Mỹ, Bộ Công Thương dự báo: Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng trưởng tích cực khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tìm kiếm hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc và các cơ sở sản xuất mới sau khi dịch chuyển đầu tư.
Nếu doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành hàng như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ, nội thất… nhanh nhạy, chủ động thông tin, tìm ra những lợi thế để khai thác, tranh thủ cơ hội để vươn lên, chiếm lĩnh thị phần, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn, nhu cầu và tăng khả năng xuất khẩu thì sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề cập tới việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ. Theo đó, 31 doanh nghiệp của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0%. Trong danh sách có rất nhiều doanh nghiệp lớn như Minh Phú, CP Việt Nam, Camimex...
Mức thuế 0% này không chỉ có tác động ngắn hạn mà còn mở ra khả năng bứt phá xuất khẩu sang thị trường Mỹ, kỳ vọng các đơn hàng sẽ nhiều hơn trong thời gian tới. BởiMỹ là một thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam và cũng là thị trường khó tính với những quy tắc khắt khe. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đang tăng dần do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc.
ĐÔNG SƠN (theo haiquanonline.com.vn)