Nhiều địa phương cam kết giải ngân hết vốn đầu tư công năm 2020

(BKTO) - Trong khi Bộ Tài chính cam kết đảm bảo đủ nguồn cho đầu tư công năm 2020, thì nhiều địa phương đã cam kết sẽ giải ngân 100% số kế hoạch vốn được giao.



                
   

Ảnh minh họa

   

Đây được cho là một trong những biện pháp và quyết tâm cao nhất, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Phải giải ngân số vốn cao gấp hơn 2 lần năm 2019

Tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312 nghìn tỷ đồng), bao gồm: 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán NSNN năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.

Ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 30/4 là hơn 89.312 tỷ đồng, đạt gần 19% kế hoạch Thủ tướng giao. Mặc dù con số này cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 16,45% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 17,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu đề ra.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, tổng mức đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 của Hà Nội là 107.300 tỷ đồng. Trong 4 năm (2016 - 2019), Hà Nội đã phân bổ được 80 nghìn tỷ đồng, đã giải ngân được 70 nghìn tỷ đồng, đạt 86%. Để đẩy nhanh giải ngân hết số vốn còn lại của giai đoạn, TP. Hà Nội sẽ thành lập ban chỉ đạo để rà soát, giải quyết các điểm nghẽn, góp phần đẩy nhanh triển khai các dự án. Đến nay, Hà Nội đã khởi công và giải ngân được 30/84 dự án mới. Với 54 dự án mới còn lại này, hiện đã làm xong thủ tục đầu tư, đang làm thủ tục lựa chọn nhà thầu để khởi công, giải ngân từ nay đến cuối năm.

Đối với TP. Đà Nẵng, tính đến ngày 10/4, thành phố đã giải ngân được 1.380 tỷ đồng, bằng 12% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 12.000 tỷ đồng của năm 2020 và gấp xấp xỉ 4 lần so với mức giải ngân cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong đó giải ngân vốn đầu tư từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương đạt 200 tỷ đồng, bằng 59% so với kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản của chương trình. Theo ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, có được kết quả trên là nhờ từ đầu năm, thành phố đã có nhiều biện pháp quyết liệt, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, HĐND đã phân cấp mạnh cho UBND thành phố thực hiện các chủ trương đầu tư liên quan đến các dự án nhóm B, nhóm C.

Sẽ hủy vốn nếu kết thúc năm chưa giải ngân

Trên cơ sở kết quả đạt được trong quý I/2020, nhiều địa phương phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020.

TP. Đà Nẵng sẽ tập trung đẩy nhanh các dự án trọng điểm của thành phố, thúc đẩy tăng trưởng. Chính quyền thành phố cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ cho thành phố tiếp cận các khoản vay trong tình hình nguồn thu và cân đối về ngân sách không đảm bảo, có vốn cho các công trình trọng điểm của thành phố.

Quyết liệt hơn, tại tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng cho biết, tỉnh phấn đấu sẽ giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công trong quý II và chậm nhất là trong quý III. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đó, ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng, trong trường hợp đặc biệt, cần có cách làm đặc biệt. Quảng Ninh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành nâng hạn mức chỉ định thầu quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, hạn mức chỉ định thầu quy định dưới 500 triệu đồng đối với các gói thầu tư vấn và dưới 1 tỷ đồng đối với các gói thầu xây lắp, thiết bị là khá thấp.

Do đó, Quảng Ninh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để có thể nâng hạng mức chỉ định thầu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương. Ngoài ra, cho phép Quảng Ninh được tham gia vốn ngân sách tỉnh vào một số dự án PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư) hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang dự án đầu tư công như một số dự án trọng điểm Chính phủ đã chỉ đạo trong thời gian qua, giúp tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nếu thời điểm này có thêm một phần vốn từ ngân sách, thì các dự án này sẽ được đẩy nhanh tiến độ.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Thủ tướng lưu ý tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án quy mô lớn có tính chất lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng, cả nước như: dự án cao tốc Bắc Nam, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Kiên quyết hơn, Thủ tướng đề nghị, đến tháng 9 nếu không có kết quả giải ngân sẽ điều chuyển vốn của các dự án; ngoài ra, sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; bên cạnh việc giao nhiệm vụ cụ thể, sẽ có chế tài xử lý nghiêm minh đối với quá trình triển khai thực hiện.

Bộ Tài chính vừa qua đã kiến nghị các bộ, ngành và địa phương, cần theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng... Các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt chỉ đạo cắt giảm, điều chỉnh vốn từ dự án có tiến độ giải ngân chậm sang dự án có tiến độ tốt hơn. Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương khi kết thúc năm, trường hợp vốn đầu tư vẫn chưa giải ngân hết sẽ bị hủy bỏ để giảm bội chi NSNN năm 2020.
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn
Cùng chuyên mục
  • Hà Nội tổ chức đánh giá hiệu quả đề án sữa học đường giai đoạn 2018-2020
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 22/5/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD&ĐT) Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Đánh giá hiệu quả thực hiện đề án Sữa học đường (SHĐ) giai đoạn 2018-2020 với sự tham dự của đại diện các sở, ban ngành, Phòng Giáo dục các quận, huyện, và đại diện các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn Hà Nội.
  • Chưa đến 3.000 ô tô nhập khẩu trong nửa đầu tháng 5
    4 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Số lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu nửa đầu tháng 5 (theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan) chưa đến 3.000 xe, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2019.
  • Tăng trưởng tín dụng năm 2020:  Mục tiêu nhiều thách thức
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - 11 - 14% là mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra trong năm 2020. Tuy nhiên, diễn biến tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm cho thấy, mục tiêu này đang đứng trước nhiều thách thức.
  • Cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất  để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
    4 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Sau khi nhiều Bộ rầm rộ triển khai, mạnh tay cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong năm 2018, tạo được những chuyển biến tích cực, có nhiều cải cách mang tính đột phá thì tình hình thực hiện năm 2019 đã rơi vào “lặng lẽ”, dường như sự nhiệt tình của một số Bộ đã giảm đi đáng kể…
  • An ninh nguồn nước - vấn đề sống còn  của Đồng bằng sông Cửu Long
    4 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Những năm gần đây, sự thay đổi mạnh mẽ chế độ mưa hằng năm, gia tăng triều cường vùng cửa sông, ven biển và cả nhiệt độ đã khiến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiếu hụt nguồn nước mặt, sụt giảm lượng nước ngầm và tăng diện tích mặn hóa. Quan ngại hơn, sự phát triển ồ ạt và thiếu bền vững của hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đã khiến vấn đề an ninh nguồn nước ở ĐBSCL càng trở nên bức bách.
Nhiều địa phương cam kết giải ngân hết vốn đầu tư công năm 2020