Nhiều địa phương nguy cơ vượt dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, toàn quốc có số chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT là 54.885 tỷ đồng (chiếm 45,1% dự toán chi của năm). Nhiều địa phương có chi phí thanh toán tuyệt đối gia tăng cao trong 5 tháng đầu năm, tỷ lệ gia tăng chi phí tăng từ 22-52% so với cùng kỳ năm trước...

bao-hiem-y-te-17112023.jpg
BHXH Việt Nam yêu cầu các địa phương phối hợp trong kiểm soát, sử dụng hợp lý, hiệu quả chi phí KCB BHYT. Ảnh: TTXVN

Tổng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế toàn quốc đã đạt 45,1%

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa tổ chức làm việc với BHXH 12 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Thái Bình, Ninh Binh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Đắk Lắk, Cần Thơ) - đang có tốc độ gia tăng chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) trong 5 tháng đầu năm cao so với các địa phương trên cả nước; nhằm tìm giải pháp tối ưu sử dụng Quỹ BHYT, phòng tránh, hạn chế tối đa các chi phí bất hợp lý, lãng phí.

Ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, theo thông lệ hằng năm, đến hết tháng 6 tháng đầu năm cả nước mới sử dụng hết 45% dự kiến chi của cả năm, tuy nhiên đến hết tháng 5 năm nay, tổng chi KCB BHYT trên toàn quốc đã đạt tỷ lệ chi đến 45,1%.

Trong đó, cả 12 địa phương trên đều có số chi KCB BHYT gia tăng cao so với cùng kỳ năm trước và phần lớn đều có tỷ lệ chi phí cao hơn mức bình quân chung của toàn quốc, có địa phương lên tới trên 46%- 48,8%.

Nếu tính toán trên cơ sở tốc độ gia tăng chi phí tương tự năm 2023, đây là những địa phương có nguy cơ vượt dự toán Chính phủ giao cả năm khá cao. Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mặc dù tỷ lệ chi đang ở mức dưới 45% (Hà Nội 44,3%, TP. Hồ Chí Minh là 43,5%), nhưng với vị trí là 2 thành phố có số chi KCB BHYT cao nhất toàn quốc, số gia tăng tuyệt đối thực tế tại 2 địa phương đến nay cũng là con số rất cao, tác động lớn đến tốc độ gia tăng chung của toàn quốc - ông Lê Văn Phúc phân tích.

Theo ông Phúc, các yếu tố gia tăng chi phí gồm gia tăng số lượt KCB; gia tăng chi phí KCB ngoại trú và nội trú. Chi phí bình quân chung 5 tháng tại nhiều địa phương gia tăng đến 2 con số so với cùng kỳ năm 2023 (trong khi tỷ lệ gia tăng chung trên toàn quốc là 8,9%)... “Từ cuối năm 2023, giá dịch vụ y tế đã có sự điều chỉnh, và cũng là một yếu tố làm gia tăng chi phí KCB BHYT. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng việc điều chỉnh này không “kịp” với tốc độ gia tăng chi phí trong thực tế...” - ông Phúc chỉ rõ.

Làm rõ hơn vấn đề này, ông Dương Tuấn Đức- Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến nhấn mạnh, việc gia tăng số lượt KCB không phải là nguyên nhân gia tăng chi phí bình quân. Trong khi đó, hiện nay, nhiều địa phương đang có sự gia tăng chi phí bình quân các bệnh chiếm tỷ trọng lớn; chi phí bình quân một đợt điều trị ngoại trú, nội trú tại nhiều cơ sở y tế gia tăng rất cao so với chính cơ sở y tế đó trong năm trước...

Ông Đức cũng nêu ra một số chi phí bất hợp lý được nhận diện qua Hệ thống Thông tin Giám định BHYT như có những trường hợp bệnh nhân được chuyển từ cơ sở 1 sang cơ sở 2 của cùng một bệnh viện vẫn phát sinh thêm số lượt khám bệnh có chi phí; bệnh nhân ra viện hôm trước, hôm sau lại nhập viện trở lại và thực hiện lại một loạt các xét nghiệm, cận lâm sàng; tình trạng tách đợt nội trú, tăng số lượt khám làm tăng chi phí (mục đích là giảm chi bình quân) vẫn xuất hiện...

Kiên quyết từ chối thanh quyết toán chi phí không hợp lý

Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh lưu ý, 12 địa phương trên là những địa phương có số chi lớn, chiếm hơn 50% chi phí KCB của toàn quốc. Do đó, những biến động về chi phí KCB BHYT tại các địa phương này có ảnh hưởng rất lớn đến tổng chi KCB của toàn quốc.

Một số địa phương đang phối hợp thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của BHXH Việt Nam, của chính quyền địa phương về kiểm soát chi phí KCB BHYT. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa cao. “Phải đạt được nhận thức chung về phối hợp kiểm soát, sử dụng hiệu quả Quỹ KCB BHYT để các chi phí được sử dụng đạt hiệu quả tối ưu, đến được với những người bệnh thực sự cần được hỗ trợ...”- ông Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu, các nội dung trong kiểm soát chi phí KCB BHYT tại từng địa bàn cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm. Thứ nhất, đánh giá kết quả kiểm soát chi phí KCB BHYT trong thực tế và hiệu quả từ triển khai nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn từ BHXH Việt Nam.

Bên cạnh đó, BHXH các địa phương rà soát cụ thể, đánh giá những vấn đề cần tiếp tục triển khai hoặc khắc phục trong thực hiện chỉ đạo từ BHXH Việt Nam và các cấp chính quyền địa phương; phối hợp với Sở Y tế, cơ sở KCB; thống nhất mục tiêu tối ưu hóa nguồn Quỹ BHYT, đảm bảo đúng tính chất và ý nghĩa chia sẻ nhân văn của chính sách BHYT.

Đồng thời, cần tăng cường hiệu quả từ công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý rủi ro trong kiểm soát chi phí KCB BHYT trên cơ sở phân tích dữ liệu đảm bảo việc kiểm soát, quản lý chặt chẽ nguồn quỹ...

“Từ các hệ thống thống kê, cảnh báo của BHXH Việt Nam cung cấp, BHXH các địa phương cảnh báo, kết hợp thanh tra, kiểm tra, yêu cầu giải trình, để tìm, chứng minh được chi phí bất hợp lý. Cơ quan BHXH phải kiên quyết từ chối thanh quyết toán chi phí không hợp lý theo quy định, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người bệnh BHYT” - ông Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu.

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa yêu cầu Ban Thực hiện chính sách BHYT tiếp tục hỗ trợ BHXH các địa phương một số mẫu văn bản cần thiết; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu BHXH các địa phương phải hiểu đúng bản chất của Nghị định số 75/2023/NĐ-CP và cách thức phân tích dữ liệu: đi từ tổng thể, nhận diện chính xác các yếu tố gia tăng chi phí; tổ chức làm việc cụ thể với từng cơ sở y tế; hoạt động kiểm soát chi phí KCB BHYT luôn đảm bảo tính hợp lý, phù hợp, đúng mục tiêu là “kiểm soát” tính hợp lý, đúng quy định các chi phí KCB BHYT…

Cùng chuyên mục
  • Báo chí góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch
    5 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Báo chí không chỉ là kênh cung cấp thông tin, lan tỏa những ý kiến, phản ánh của doanh nghiệp, người dân..., mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và phát triển thị trường bất động sản (BĐS). Sự trung thực và chuyên nghiệp của báo chí góp phần hỗ trợ thị trường BĐS phát triển theo hướng minh bạch, ổn định hơn.
  • 122 tác phẩm đạt Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII
    5 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Tối 21/6, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023 với chủ đề "Khát vọng và bản lĩnh Việt Nam" tại Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Lễ trao Giải diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024).
  • Sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
    5 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 20/6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 - chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 với Ban Chỉ đạo thi 63 tỉnh, thành phố.
  • Triển lãm hội họa "99" của những người làm báo
    5 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam và các Nhà báo - Họa sĩ tổ chức Triển lãm tranh với chủ đề “99”. Đây là sự kiện ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024).
  • Hà Nội thực hiện tốt công tác giải quyết, chi trả chế độ bảo hiểm
    5 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thành phố Hà Nội đã thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH 5 tháng năm 2024 cho 593.450 người với số tiền 17,7 nghìn tỷ đồng. Ước tính hết tháng 6/2024 sẽ chi trả 21,3 nghìn tỷ đồng.
Nhiều địa phương nguy cơ vượt dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế