Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có tổng số 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi, tăng hơn 45.000 thí sinh so với Kỳ thi năm 2023. Toàn quốc có 2.323 điểm thi và 45.149 phòng thi.
Kỳ thi năm nay được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Bộ GDĐT chỉ đạo chung, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.
Các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28 và 29/6/2024; chấm thi từ ngày 29/6/2024; công bố kết quả thi vào 8h00 ngày 17/7/2024, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7/2024.
Về công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, Bộ GDĐT đã hoàn thành việc rà soát ma trận của 15 môn thi; xây dựng và hoàn thiện đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 công bố ngày 22/3/2024. Đồng thời rà soát, biên tập, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để phục vụ công tác ra đề thi.
Để Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, bảo mật, Bộ GDĐT đã phân công, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra trực tiếp công tác chuẩn bị thi tại các địa phương.
Kết quả bước đầu cho thấy, các địa phương được kiểm tra đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh với đầy đủ các thành phần theo quy định, huy động cả hệ thống chính trị, sở, ban, ngành của tỉnh vào cuộc; phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết đến từng thành viên của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, nhiều địa phương thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện và huy động các sở, ban, ngành và cả hệ thống chính trị cùng tham gia.
Đặc biệt, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho Kỳ thi, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an cũng đã phối hợp với công an địa phương đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho Hội đồng ra đề thi và quá trình vận chuyển, giao nhận đề thi đến 63 Hội đồng thi. Đồng thời, tập huấn về phòng ngừa, xử lý tình huống gian lận bằng thiết bị công nghệ cao, đảm bảo Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, bảo mật trên toàn quốc.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị của các địa phương cho Kỳ thi năm 2024 hết sức chu đáo, sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực.
Để việc tổ chức Kỳ thi đáp ứng các yêu cầu đề ra, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc, nghiêm túc và cụ thể hóa những nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu trong Chỉ thị số 15 ngày 16/5/2024. Trong đó, tập trung vào 5 nhiệm vụ chính, cốt lõi về công tác chỉ đạo, công tác phối hợp, công tác chuẩn bị, công tác tổ chức và công tác truyền thông.
Thứ trưởng Bộ GDĐT cũng lưu ý cần quán triệt tinh thần "4 đúng" và "3 không" trong tổ chức Kỳ thi. Trong đó, “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là: Không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.
Với một Kỳ thi có hàng triệu thí sinh dự thi, hàng trăm nghìn cán bộ tham gia vào công tác thi, theo Thứ trưởng không thể tránh khỏi những sơ suất, tình huống bất thường, do vậy, các địa phương cần tiên lượng trước và chủ động phương án dự phòng.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu Ban Chỉ đạo các địa phương, các Điểm thi cần tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ thí sinh tham dự Kỳ thi, tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị công nghệ, thông tin liên lạc vào phòng thi; không để bất kỳ thí sinh nào vì điều kiện kinh tế hoặc cách trở giao thông mà không đến được điểm thi.../.