Nhiều khuyến nghị đối với nền kinh tế Việt Nam

(BKTO) - Việt Nam cần có giải pháp tổng thể cho tình trạng thiếu hụt lao động, nên hướng tới bỏ dần trần tín dụng, xác định chu kỳ kinh tế để có biện pháp linh hoạt…



                
   

Nguồn: ADB

   


Cần giải pháp tổng thể cho tình trạng thiếu hụt lao động

Tại Họp báo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 21/9, ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế của ADB - cho biết: Một số lĩnh vực yêu cầu lao động cao như dệt may, da giày đang thiếu hụt lao động. Tình trạng này cho thấy đã đến lúc Việt Nam phải chuyển giao từ nền kinh tế dựa vào lao động kỹ năng thấp và tài nguyên sang nền kinh tế phát triển cao hơn.

Để giúp lao động bắt nhịp với giai đoạn chuyển giao đó, Việt Nam cần nâng cao kỹ năng cho người lao động thông qua các dự án về đào tạo nghề. Những ngành dệt may, da giày phải áp dụng công nghệ mới, đảm bảo cho người lao động có kỹ năng cao hơn.

Ngoài ra, lao động tại khu vực kinh tế phi chính thức của Việt Nam rất lớn. Việc dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức đòi hỏi giải pháp đồng bộ.

“Trong chiến lược đối tác của ADB đối với Việt Nam, chúng tôi đưa ra giải pháp tổng thể, vừa nâng cao kỹ năng cho người lao động, vừa đảm bảo an sinh xã hội” – ông Cường cho biết.

Bỏ dần trần tín dụng, xác định chu kỳ kinh tế

Liên quan đến room tín dụng, theo ông Cường, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng trần tín dụng 14% rất linh hoạt, đảm bảo chống lạm phát và duy trì tăng trưởng.

Tuy nhiên, tùy theo từng ngân hàng, căn cứ vào chỉ tiêu an toàn về vốn, mức độ triển khai Basel 2… Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục nâng trần tín dụng cho một số ngân hàng. Về lâu dài, việc điều chỉnh room tín dụng nên tuân theo quy luật thị trường, hướng tới bỏ dần trần tín dụng.
                
   

Một trong những khuyến nghị được chuyên gia Nguyễn Minh Cường đưa ra là Việt Nam cần có giải pháp tổng thể để nâng cao kỹ năng
   cho người lao động. Ảnh: Thành Đức

   

Nhận định về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, ông Cường cho rằng, cuộc khủng hoảng không mang tính chu kỳ, khủng hoảng này là do khủng hoảng y tế tạo ra. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần xác định chu kỳ kinh tế để có các biện pháp linh hoạt.

Trước quan ngại về việc gói trợ cấp lãi suất liệu có đẩy Việt Nam vào tình trạng bị các nước cáo buộc hỗ trợ thương mại, dẫn đến khả năng cạnh tranh không công bằng, chuyên gia của ADB cho biết: Nhìn chung, với Tổ chức Thương mại thế giới, những biện pháp trợ cấp trong thời điểm bình thường đều không được phép, các hiệp định thương mại lớn của Việt Nam cũng không cho phép biện thực hiện biện pháp này.

Nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt, Việt Nam cần có cách chính sách hỗ trợ. Vị chuyên gia này cho rằng chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng cáo buộc hỗ trợ thương mại dẫn đến cạnh tranh không công bằng sẽ xảy ra ở Việt Nam.

Hướng tới nền kinh tế phi carbon

Để thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2030, tầm nhìn 2045, Giám đốc quốc gia ADB - ông Andrew Jeffries - khuyến nghị: Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững 6,5-7% mỗi năm. Chúng ta phải làm rõ xem có thể hỗ trợ thế nào cho hiện đại hóa, công nghiệp hóa.

Doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam cần tạo việc làm nhiều hơn cho thanh niên, giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế phi carbon. Việt Nam đã cam kết đạt mức phác thải ròng bằng 0 vào năm 2030. Đó là yếu tố duy trì cạnh tranh, tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
                
   

Giám đốc quốc gia ADB - ông Andrew Jeffries - khuyến nghị: Việt Nam cần có chính sách thu hút FDI chất lượng, khuyến khích chuỗi giá trị có công nghệ cao hơn. Ảnh: Thành Đức

   

Để thực hiện các mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam cần có chính sách tiếp tục thu hút FDI chất lượng, khuyến khích chuỗi giá trị có công nghệ cao hơn. Các hoạt động chế biến chế tạo phải đảm bảo hàm lượng công nghệ cao.

Việt Nam cũng nên quan tâm, cân nhắc đến sự phát triển của năng lượng điện để mang lại những cơ hội sản xuất chế biến chế tạo và tạo việc làm nhiều hơn cho người lao động.

Yếu tố cuối cùng cần lưu ý là vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, tại Việt Nam, các tầng lớp trung lưu đầu tư cho giáo dục rất nhiều. Nguồn tài chính hỗ trợ giáo dục đóng vai trò quan trọng, do đó, các cơ sở đào tạo cần thúc đẩy hợp tác với các trường ở nước ngoài có trung tâm về đổi mới sáng tạo. Đó là yếu tố quan trọng để chúng ta có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy tăng trưởng./.
THÀNH ĐỨC


Cùng chuyên mục
Nhiều khuyến nghị đối với nền kinh tế Việt Nam