Nhiều nước có Quỹ phát triển kỹ năng, Việt Nam thì sao?

(BKTO) - Để hỗ trợ công tác đào tạo kỹ năng cho người lao động tại doanh nghiệp (DN), đào tạo trước khi tuyển dụng, nhiều nước ASEAN đã có Quỹ phát triển kỹ năng. Còn tại Việt Nam, việc hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề đã được pháp luật quy định như thế nào?

dao-tao-nghe.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ mô hình hỗ trợ phát triển kỹ năng ở các nước ASEAN

Theo nghiên cứu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, một số quốc gia ASEAN đã thiết lập Quỹ phát triển kỹ năng. Quỹ này hoạt động theo cơ chế bán tự chủ và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ phụ trách về nhân lực hoặc lao động, phúc lợi.

Quỹ được sử dụng để hỗ trợ cho công tác đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng, năng lực cho người lao động tại DN; đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động trước khi tuyển dụng vào DN; tăng cơ hội phát triển kỹ năng cho nhóm lao động yếu thế, phụ nữ và thanh niên.

Tại Singapore, Luật Thuế phát triển kỹ năng được ban hành vào năm 1979, sửa đổi năm 2012 với mục tiêu huy động cộng đồng DN và đơn vị sử dụng lao động đóng góp hỗ trợ hoạt động phát triển kỹ năng thông qua hình thức nộp thuế.

Theo đó, mỗi DN phải nộp thuế sử dụng lao động có kỹ năng tính theo số lao động tuyển dụng ở mức 0,25% lương tháng đầu tiên của người lao động. Tiền thuế sẽ được góp chung vào Quỹ phát triển kỹ năng do Bộ Nhân lực trực tiếp quản lý.

Quỹ được sử dụng vào mục đích hỗ trợ DN và người lao động về phát triển kỹ năng, duy trì việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả và năng suất lao động.

Còn tại Malaysia, Quỹ phát triển kỹ năng được Chính phủ nước này quy định trong Luật về Quỹ phát triển kỹ năng ban hành năm 2004, sửa đổi năm 2006. Quỹ do Bộ Nguồn nhân lực trực tiếp quản lý.

Theo quy định của Luật, số dư của Quỹ phát triển kỹ năng được hình thành từ: Nguồn vốn phân bổ từ ngân sách Chính phủ; các khoản tài trợ, quyên góp, quà tặng; nguồn thu từ các chương trình, dự án sử dụng vốn trực tiếp từ Quỹ; các khoản vốn vay; tiền kiếm được từ bất kỳ tài sản nào, đầu tư thế chấp, cho thuê; các nguồn thu hợp pháp khác.

Quỹ do Bộ Nguồn nhân lực quản lý, sử dụng để cấp các khoản vay, hỗ trợ về tài chính cho các học viên tham gia các chương trình đào tạo kỹ năng được Chính phủ phê duyệt. Quỹ còn được sử dụng để chi cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và các hoạt động khác theo quy định của Luật Quỹ phát triển kỹ năng.

Với Thái Lan, Quỹ phát triển kỹ năng được Chính phủ quy định tại Luật thúc đẩy phát triển kỹ năng ban hành năm 2002. Năm 1996, Chính phủ thành lập Quỹ và trực tiếp quản lý, điều hành.

Trong tiến trình cải tổ nội các Chính phủ sau này, Quỹ được chuyển giao về Cục Phát triển kỹ năng thuộc Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội để quản lý, điều hành, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Quỹ phát triển kỹ năng được hình thành từ: Nguồn vốn phân bổ bởi Chính phủ; sự đóng góp của DN; khoản tài trợ, quà tặng; lợi tức đầu tư từ nguồn vốn lấy từ Quỹ; tiền hoặc tài sản thuộc Quỹ.

Tại Thái Lan, bất kỳ DN nào có quy mô nhân sự trên 100 người nếu không tham gia hoạt động phát triển kỹ năng hoặc đào tạo không đạt chuẩn theo quy định đều phải đóng góp tiền vào Quỹ phát triển kỹ năng.

Quỹ được sử dụng để cung cấp các khoản vay cho học viên tham gia hoạt động phát triển kỹ năng và các cơ sở đào tạo, tổ chức đánh giá tiêu chuẩn kỹ năng, các DN tổ chức hoạt động đào tạo, đánh giá tiêu chuẩn kỹ năng; hỗ trợ bất kỳ các hoạt động liên quan đến phát triển kỹ năng với sự cho phép của Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội.

… đến thực tiễn tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đã quy định rõ các chính sách ưu đãi đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như ưu đãi về tín dụng để đầu tư cơ sở vật chất hoặc nâng cao chất lượng đào tạo; ưu đãi thuế theo quy định...

Luật Việc làm 2013 quy định chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động thất nghiệp học nghề để bổ sung, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người thất nghiệp chuyển đổi nghề nghiệp, nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động.

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến tháng 3/2021, số lao động được hỗ trợ học nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là trên 160.000 người. Kết quả đánh giá cho thấy, trên 90% người lao động thất nghiệp sau đào tạo có việc làm đúng với ngành nghề đào tạo.

Tuy nhiên, hiện nay, chỉ người lao động thất nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp mới được hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi tham gia học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Trong khi đó, kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khoảng 90 nghìn tỷ đồng.

Vì vậy, theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, để người lao động tăng cơ hội được hỗ trợ từ Quỹ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, chính sách hỗ trợ của Quỹ đối với người lao động cần được điều chỉnh cho phù hợp.

Đây là cơ sở để Dự thảo Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 hướng tới sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về việc sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng phù hợp với thực tiễn và tình hình mới.

Nhằm thúc đẩy, phát triển kỹ năng nghề quốc gia và hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng đã bổ sung các quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề.

Theo đó, Quỹ hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập nhằm thúc đẩy, phát triển kỹ năng nghề quốc gia và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Thủ tướng Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động của Quỹ.

Nhiệm vụ của Quỹ là hỗ trợ đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề; đảm bảo hoạt động của Hội đồng Kỹ năng nghề; tôn vinh người lao động có trình độ kỹ năng nghề cao xuất sắc …

Quỹ được hình thành từ nguồn đóng góp của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề, người lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, nguồn thu hợp pháp khác.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung quy định về Quỹ phát triển kỹ năng nghề là phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ cho các hoạt động đào tạo, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam để gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia./.

Cùng chuyên mục
Nhiều nước có Quỹ phát triển kỹ năng, Việt Nam thì sao?