Chưa thực hiện đúng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước
Đánh giá việc quản lý Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Thọ, KTNN chỉ ra mức thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với Công ty cổ phần Cấp nước Phú Thọ không đúng mức thu 52đ/m3 mà chỉ thu theo mức 40đ/m3, dẫn đến chênh lệch tăng theo kiến nghị kiểm toán là 353,7 triệu đồng.
Năm 2021, Quỹ chưa được cấp vốn 5 tỷ đồng theo quy định của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Thọ. Cùng với đó thì số kinh phí Quỹ cấp cho các đơn vị đến hết năm còn dư tại các đơn vị chưa nộp về Quỹ là 249,8 triệu đồng.
Theo KTNN, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Thọ còn chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán đối với niên độ ngân sách 2020 số tiền hơn 300 triệu đồng.
Tại Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ, KTNN chỉ rõ, Quỹ chưa thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN) theo quy định 86,3 triệu đồng. Quy chế quản lý tài chính của Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ cũng nêu rõ vốn điều lệ của Quỹ do NSNN cấp là 20 tỷ đồng và được cấp trong 03 năm, kể từ năm 2017. Tuy nhiên, đến hết năm 2021, Quỹ mới chỉ được cấp 10 tỷ đồng.
Nhiều phát hiện khác được KTNN đưa ra khi đánh giá việc quản lý Quỹ Phát triển đất tỉnh Phú Thọ. Đáng chú ý, Quỹ chưa bổ sung 12 triệu đồng tiền lãi gửi ngân hàng từ những năm trước vào vốn điều lệ của Quỹ.
Quỹ Phát triển đất tỉnh Phú Thọ được phân loại là đơn vị sự nghiệp công lập được NSNN đảm bảo toàn bộ chi phí theo Điều 15 Quyết định số 57/QĐ-UBND về điều lệ tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển đất ngày 06/01/2010 của UBND tỉnh Phú Thọ nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với quy định tại Điều 17 Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quỹ thực hiện theo cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập có thu tự bảo đảm một phần hoặc bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động).
Theo Điều lệ tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển đất tỉnh Phú Thọ, mức vốn NSNN cấp cho Quỹ là 200 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm kiểm toán, Quỹ còn thiếu số vốn hơn 7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 19/5/2022, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 4507/BTC-QLCS về việc hoạt động của Quỹ phát triển đất của địa phương, trong đó có nêu: Trong thời gian cấp có thẩm quyền chưa ban hành văn bản thay thế Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg thì Quỹ không sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất để trích lập Quỹ.
Thực tiễn và chính sách đều có những bất cập
Qua thực tiễn kiểm toán, KTNN đã kiến nghị UBND tỉnh Phú Thọ bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, Quỹ Bảo vệ môi trường của tỉnh đảm bảo đủ mức vốn điều lệ quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ.
Đối với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Thọ, KTNN kiến nghị UBND tỉnh thu hồi kinh phí còn dư số tiền 249,8 triệu đồng của năm 2021 về Quỹ; thu tiền dịch vụ môi trường rừng đảm bảo quy định tại khoản 2 Điều 59 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP số tiền 353,7 triệu đồng. Đồng thời thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2021 về niên độ ngân sách năm 2020 do chưa thực hiện số tiền 303,2 triệu đồng.
Còn với Quỹ Phát triển đất tỉnh Phú Thọ, yêu cầu được KTNN đưa ra là bổ sung số lãi tiền gửi ngân hàng từ những năm trước vào vốn điều lệ của Quỹ theo quy định; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc cho ứng vốn vượt mức quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 17/2012/QĐ-HĐQL.
Ngoài những phát hiện kiểm toán liên quan đến xử lý tài chính, KTNN còn chỉ rõ nhiều điểm bất cập trong cơ chế chính sách hiện hành tại tỉnh Phú Thọ.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 5 của Quyết định số 17/2012/QĐ-HĐQL của Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển đất tỉnh Phú Thọ quy định mức ứng vốn không vượt quá 15% và mức tối đa không quá 10 tỷ đồng, nhưng thực tế khi triển khai thực hiện có 03 dự án cho vay vốn của năm 2021 vượt mức vốn quy định tại Quyết định này. Tuy nhiên, KTNN cũng chỉ rõ, quy chế mẫu theo Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không quy định mức ứng vốn tối đa.
Còn tại Điểm 1, 2 của Văn bản số 113/UBND-TH2 ngày 13/01/2015 của UBND tỉnh Phú Thọ “khấu trừ và nộp thuế Giá trị gia tăng (GTGT) theo tỷ lệ 2% trên số tiền thanh toán khối lượng hoàn thành của các công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn NSNN trên địa bàn tỉnh” còn hiệu lực trong năm 2022 - là chưa phù hợp với quy định tại điểm a khoản 5 Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Bởi điểm a khoản 5 Điều 13 của Thông tư số 80/2021/TT-BTC đã bãi bỏ khoản 3 Điều 28 Thông tư số 156/2013/TT-BTC và bãi bỏ khoản 1 Điều 8 Thông tư số 119/2014/TT-BTC, đồng thời quy định lại như sau: “… khấu trừ tiền thuế GTGT để tăng nộp NSNN theo tỷ lệ 1% doanh thu chưa có thuế GTGT đối với khối lượng hoàn thành của các công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản…”.
Vì vậy, KTNN đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ sửa đổi Văn bản số 113/2015/UBND-TH2 để phù hợp với điểm a khoản 5 Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC.