Các cửa hàng kinh doanh trên phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm đã tạm đóng cửa |
Có lẽ đường phố Hà Nội chưa bao giờ vắng vẻ như những ngày này. Đặc biệt, từ chiều 25/3, khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu tạm thời đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu, số lượng người và xe di chuyển trên nhiều tuyến đường đã giảm mạnh.
Dịch Covid-19 đang làm thay đổi thói quen sinh hoạt, mua sắm của người dân. Các chuyên gia cho rằng đây cũng là cơ hội để Hà Nội lập lại trật tự đô thị - công việc vốn rất khó khăn, nan giải của Thủ đô những năm qua.
Dần từ bỏ thói quen “tiện đâu mua đó”
Có thể thấy nền “kinh tế vỉa hè” là một đặc trưng của Hà Nội trong suốt nhiều năm qua. Vỉa hè là nơi kiếm sống của hàng triệu người dân Thủ đô và cũng là nơi có hoạt động giao thương buôn bán sôi động vào bậc nhất cả nước. Chính vì thế, việc lập lại trật tự đô thị, "giành lại vỉa hè" cho người đi bộ là một việc làm không hề dễ dàng.
Vậy nhưng, với sự bùng phát của dịch Covid-19, những con phố, vỉa hè của Hà Nội đang dần thay đổi. Vắng vẻ là hình ảnh bao trùm lên tất cả các tuyến phố. Trên các phố Lý Quốc Sư, Hàng Mành, Bát Sứ, Hàng Đồng, Lò Rèn, Hàng Mã, Đồng Xuân...người ta có thể đếm được số xe chạy trên đường. Cùng với đó là những tấm biển đóng cửa nhà hàng, đóng cửa khách sạn, thanh lý cửa hàng thời trang...
Tất cả các quán bar, karaoke, càphê, nhà hàng, phòng tập gym... dừng hoạt động, bất kể nội hay ngoại thành. Thành phố dừng hoạt động các tuyến xe buýt từ 28/3-15/4. Người dân Hà Nội được khuyến cáo nên ở nhà, không ra ngoài trừ khi phải mua lương thực, thực phẩm.
Ghi nhận tại các chợ ở Hà Nội thời gian qua có thể thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng người đến mua sắm tại các chợ "cóc," chợ tạm trên địa bàn thành phố đã giảm đáng kể. Nhờ đó, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Bà Nguyễn Thúy Hồng sinh sống tại phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Từ khi Hà Nội có ca đầu tiên mắc Covid-19, tôi và mọi người trong gia đình đã hạn chế đến những nơi đông người. Chỉ khi nào cần đi đâu có việc hoặc mua sắm thực phẩm, đồ thiết yếu, tôi mới phải ra chợ, siêu thị nhưng tâm lý luôn mua nhanh chóng rồi về. Thậm chí, tôi luôn có ý thức tránh đứng gần mọi người khi mua hàng".
Theo ghi nhận của phóng viên, sau thời điểm Hà Nội xuất hiện những ca mắc Covid-19, tại một số khu vực "chợ cóc" như Vĩnh Hồ (quận Đống Đa), Nam Trung Yên, ngõ 89 Lạc Long Quân, Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy), Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), chợ hoa Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), Cổ Bi (huyện Gia Lâm)… tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh đã không còn lộn xộn như trước. Ngoài việc các lực lượng chức năng đã và đang tiếp tục duy trì hiệu quả quản lý trật tự đô thị, kết quả trên có một phần tác động lớn từ dịch Covid-19.
Một số tiểu thương kinh doanh tại vỉa hè trên tuyến phố Thể Giao và Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng) cho biết, nếu như trước đây, các hộ kinh doanh tận dụng từng centimet mặt đường để bày hàng hóa, thu hút người mua thì kể từ khi dịchCovid-19 bùng phát, mọi chuyện đã khác.
Lượng khách đến ăn uống, mua bán đã giảm đi rất nhiều khiến nhiều nhà phải tạm thời đóng cửa hàng trước khi có lệnh của lãnh đạo thành phố và Thủ tướng về tạm dừng các cơ sở kinh doanh, trừ các mặt hàng dịch vụ thiết yếu.
Cơ hội đạt cùng lúc hai mục tiêu
Lãnh đạo một số UBND phường trên địa bàn Thủ đô nhấn mạnh việc người dân hạn chế mua sắm tại các "chợ cóc," chợ tạm, hạn chế việc ăn uống trên vỉa hè và để xe dưới lòng đường trong những tuần qua đã giảm bớt áp lực trong quản lý trật tự đô thị của các phường.
Hiện nay, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường… nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19, việc lập lại trật tự đô thị để tạo ra sự thay đổi bền vững trong ý thức của người dân về sử dụng lòng đường, vỉa hè là việc làm cần thiết.
Đại diện lãnh đạo UBND phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) cho biết cùng với tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, nhất là các khu vực chợ tạm, "chợ cóc," nơi tập trung đông người, UBND phường đã chỉ đạo Công an phường phối hợp với các bộ phận chuyên môn tăng cường xử lý vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Do đó, bộ mặt đô thị trên địa bàn phường đang có những chuyển biến rõ nét.
Lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động người dân đi tập thể dục nghiêm túc đeo khẩu trang và không tụ tập đông người phòng, chống dịch Covid-19 |
Các chuyên gia cho rằng đây là cơ hội để thành phố Hà Nội đạt được cùng lúc hai mục tiêu: chống dịch và lập lại trật tự đô thị. Trước mắt, chính quyền các cấp của Hà Nội cần chỉ đạo các lực lượng chức năng kết hợp tuyên truyền vận động phòng chống dịch bệnh với các giải pháp quyết liệt nhằm lập lại trật tự đô thị, tạo ra bước ngoặt trong ý thức của mỗi người dân.
Còn về lâu dài, việc lập lại trật tự đô thị ở Hà Nội cần phải có những chính sách tổng thể, bài bản mới có thể hy vọng khi hết dịch Covid-19, các dịch vụ trên vỉa hè lòng đường không "trăm hoa đua nở".
Cần đầu tư và kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, trong đó tập trung phát triển các chuỗi cửa hàng thực phẩm, siêu thị mini, cửa hàng tiện ích tại khu dân cư, dần dần thay thế các "chợ cóc", chợ tạm.
Cùng với đó là cải tạo, thiết kế lại các chợ lớn để bố trí tạm hộ kinh doanh vào một số địa điểm, chọn những tuyến phố hoặc rà soát quỹ đất của người dân hoặc của chính quyền quản lý để lập điểm bán hàng, tiến tới chấm dứt tình trạng bán hàng rong.
Theo Trưởng Phòng Quản lý đô thị (UBND quận Đống Đa) Hà Anh Tuấn, quận cũng đang nghiên cứu xây dựng hai mô hình chợ dân sinh để tạo điều kiện cho các hộ dân buôn bán ở vỉa hè vào kinh doanh, tạo thu nhập cho người dân.
Để khắc phục những hạn chế về trật tự đô thị hiện nay, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm đề xuất cần sớm đẩy nhanh triển khai xây dựng năm đô thị vệ tinh của Hà Nội theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt nhằm tạo việc làm, chỗ ở để thu hút lao động, giảm tình trạng quá tải về dân số, phương tiện tại khu vực đô thị trung tâm.
Thành phố Hà Nội cần nhanh chóng xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng dự án điểm đỗ xe mới, đồng thời rà soát, thúc đẩy thực hiện các dự án đã được phê duyệt, cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhất là bãi đỗ xe ngầm tại khu vực trung tâm thành phố, đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân.
Thêm vào đó, Hà Nội cần ưu tiên đầu tư phát triển giao thông công cộng hơn nữa, tăng cường tuyên truyền để mọi người thấy được lợi ích từ việc sử dụng phương tiện này, từng bước thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân để chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, có như vậy, mới khắc phục được tình trạng “tiện đâu mua đó” như khi Hà Nội chưa có dịch Covid-19.