Nhiều vấn đề tài chính, tiền tệ làm “nóng” nghị trường Quốc hội

(BKTO) - Kết thúc ngày đầu tiên của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, đã có 36 đại biểu chất vấn, 23 đại biểu tranh luận, 15 Bộ trưởng cùng Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia trả lời chất vấn. Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, với nhiều vấn đề “nóng” được đặt ra cho các tư lệnh ngành.



Nợ nước ngoài tự vay, tự trả của DN tăng nhanh

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp): Nợ nước ngoài tăng nhanh, sát "trần" 50% GDP. Xin hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính với khoản doanh nghiệp tự vay tự trả thì rất khó kiểm soát, nếu doanh nghiệp của Nhà nước, có cổ phần Nhà nước không có khả năng trả nợ thì nợ này ai trả?

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Quy định của Luật quản lý nợ công, theo đó nợ nước ngoài của quốc gia gồm nợ nước ngoài Chính phủ, các khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp.

Với nợ nước ngoài của Chính phủ, vừa qua đã được cơ cấu lại theo hướng giảm dần tỷ trọng từ 60% năm 2011 xuống còn khoảng 40% cuối năm 2018; tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ giảm từ mức 24% GDP vào cuối năm 2011 xuống còn 21% GDP giai đoạn 2018.

Chính phủ cũng đã hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án mới. Cụ thể, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh giảm từ mức 10,9% GDP năm 2015 xuống còn 8,7% GDP năm 2018; trong đó bảo lãnh nước ngoài giảm từ mức 5,9% GDP vào cuối năm 2015 xuống còn khoảng 5% GDP vào cuối năm 2018.

Về nợ nước ngoài tự vay tự trả của DN thì có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, năm 2016 tăng 25,7% so với 2015; 2017 tăng hơn 39% so với 2016. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP (dự kiến cuối năm 2018 là 49,7%, sát ngưỡng 50%).
                
   

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội- Ảnh: Quang Khánh

   
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết Quốc hội là không dùng NSNN để tái cơ cấu DNNN; đồng thời khoản nợ nước ngoài của DN thuộc mọi thành phần kinh tế bao gồm DNNN, tổ chức tín dụng theo cơ chế tự vay, tự trả là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, DNNN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp. Trường hợp DN không trả được nợ có thể thực hiện phá sản theo quy định pháp luật.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước được giao quản lý các khoản nợ nước ngoài tự vay tự trả của DN và tổ chức tín dụng phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối của Nhà nước. Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước chủ trì nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của DN và tổ chức tín dụng. Đảm bảo chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn đã được Quốc hội cho phép.

“Quy định gì chưa hợp lý thì phải sửa cho dân được nhờ…”

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng đang làm “nóng” dư luận những ngày qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đặt câu hỏi: "Quyết định khám xét tiệm vàng và xử phạt của Công an Cần Thơ đúng hay sai?".
                
   

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn chất vấn chiều 30/10 - Ảnh: quochoi.vn

   
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngày 30/1/2018, Công an TP. Cần Thơ bắt quả tang ông Lê Hồng Lực - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Lực, với hành vi mua 100 USD của ông Nguyễn Cà Rê không có giấy phép. Từ đó, Công an Thành phố tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật, tạm giữ hơn 1.000 sản phẩm kim loại màu vàng, màu trắng, đá hột và một số tang vật khác. Ông Lực là chủ nhà không trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, không có giấy phép mua bán ngoại tệ. Do đó, công an TP. Cần Thơ có đủ căn cứ chứng minh vi phạm hành chính và UBND TP. Cần Thơ đã quyết định xử phạt ông Lực. Hiện công ty và ông Lực đã thi hành xong quyết định xử phạt hành chính, không có khiếu nại, khởi kiện.

Liên quan đến vụ việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, dù có quy định xử phạt, nhưng đây là người dân đi đổi chứ không phải mua bán ngoại tệ. Việc khám xét nhà cũng phải đúng luật, thực hiện đúng thời gian. Theo Chủ tịch Quốc hội, dù người dân có vi phạm nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng cần xem xét, sửa lại quy định xử phạt hành chính cho hợp lý. "Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo, thực hiện đúng pháp luật quy định gì chưa hợp lý chúng ta phải sửa cho dân nhờ" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị.

Tăng cường chống tội phạm tín dụng đen

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh (Long An) về tình trạng tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi, Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm nêu rõ, tín dụng đen là quan hệ vay mượn tự thỏa thuận thường có lãi suất cao. Đây là quan hệ dân sự nhưng đằng sau việc cho vay tín dụng đen là hoạt động của các tổ chức tội phạm.
                
   

Đại biểu Lê Công Đỉnh chất vấn- Ảnh: quochoi.vn

   
Theo thống kê trong 4 năm từ năm 2015- 2018, toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sảm, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lợi dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản. Hiện nay lực lượng Công an đang tổ chức đấu tranh với 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức trong lĩnh vực cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê.

Nguyên nhân của tình trạng tội phạm tín dụng đen hoành hành, theo Bộ trưởng Tô Lâm là do kinh tế trong nước còn khó khăn. Nhiều cá nhân, tổ chức gặp khó khăn về nguồn vốn do đó đến vay các tổ chức tín dụng đen, cho vay nặng lãi; một bộ phận thanh niên vay cho mục đích ăn chơi... Trong khi đó, các chế tài xử lý đối với đối tượng này chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe, sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Để ngăn chặn loại tội phạm này, thời gian tới Bộ Công an sẽ tập trung vào một số giải pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân về các quy định vay, mượn, sử dụng vốn an toàn cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê… làm tốt công tác quản lý của nhà nước về an ninh trật tự, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ trên địa bàn, các hoạt động bất minh, có nghi vấn liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê; phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có liên quan đến đòi nợ, cầm đồ; nâng cao hiệu quả công tác tố giác tội phạm liên quan đến tín dụng đen; mở các cao điểm tấn công, triệt phá những tổ chức, băng nhóm, đường dây tội phạm; tiếp tục rà soát, nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp lý.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Dự án Công nghệ cao Hòa Lạc đã qua giai đoạn khó khăn nhất
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trả lời đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 30/10 về tình hình triển khai Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội và Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Chúng ta đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ làm tốt.
  • Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, sáng nay (30/10), Quốc hội bắt đầu tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra đến hết ngày 01/11.
  • Cần tiêu chí cụ thể trong xếp hạng ưu tiên và đánh giá hiệu quả đầu tư công
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng tiêu chí trong xếp hạng ưu tiên đầu tư, tiêu chí đánh giá hiệu quả của từng dự án... là những giải pháp được các đại biểu Quốc hội đề xuất nhằm khắc phục bất cập, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công...
  • Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chỉ rõ những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng tài chính- NSNN như: thu thiếu bền vững, nợ đọng thuế gia tăng, chi thường xuyên còn lớn... nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách, giảm chi thường xuyên... Đặc biệt, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ cần đổi mới công tác lập dự toán NSNN, đồng thời đánh giá hiệu quả thực hiện quy định chính sách tự kê khai tự nộp thuế của DN và công tác hậu kiểm của cơ quan thuế.
  • Cần có cơ chế mới để siết kẽ hở quản lý trong thực hiện các dự án BT
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Nêu lên nhiều bất cập được KTNN chỉ ra qua kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (Xây dựng- Chuyển giao), đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đặt câu hỏi: Có nên thực hiện các dự án BT như thời gian vừa qua nữa hay không? Phải chăng cần có cơ chế mới để siết lại kẽ hở quản lý? Đề nghị Chính phủ cân nhắc và báo cáo Quốc hội”.
Nhiều vấn đề tài chính, tiền tệ làm “nóng” nghị trường Quốc hội